Thủ tướng Ai Cập công bố thành phần nội các mới

Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil đã công bố thành phần nội các mới, nội các đầu tiên dưới thời tân Tổng thống Mohamed Morsi.
Ngày 2/8, Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil đã công bố thành phần nội các mới của nước này, nội các đầu tiên dưới thời tân Tổng thống Mohamed Morsi.

Trong nội các mới, Thống chế Hussein Tantawi, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak và hiện là Chủ tịch Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập, tiếp tục đảm nhận ghế Bộ trưởng Quốc phòng.

Bộ trưởng Tài chính Mumtaz al-Said của chính phủ lâm thời cũng tiếp tục đảm nhiệm cương vị cho dù phong trào "Anh em Hồi giáo" của Tổng thống Mursi từng phản đối mạnh mẽ việc hoạch định ngân sách của ông này.

Ghế Bộ trưởng Ngoại giao vẫn do ông Mohamed Kamel Amr nắm giữ. Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Nội vụ Ahmed Gamal al-Din được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Nội vụ. Đảng Tự do và Công lý (FJP) của "Anh em Hồi giáo" nắm ít nhất 5 ghế nội các, trong đó có ghế Bộ trưởng Thông tin và Bộ trưởng Giáo dục.

Thủ tướng Qandil cho biết ông lựa chọn các bộ trưởng dựa trên năng lực của họ và nội các sẽ gồm 35 bộ trưởng. Theo ông Qandil, nhiệm vụ của nội các mới là phải giải quyết những thách thức an ninh và kinh tế "khổng lồ" mà Ai Cập đang phải đối mặt.

Giới phân tích đánh giá nội các vừa được công bố phản ánh sự cân bằng quyền lực bấp bênh giữa Tổng thống Mursi và phe quân đội vốn nắm quyền điều hành Ai Cập trước khi ông Morsi nhậm chức cách đây hơn một tháng. Ông Mursi, người từng đưa ra chính sách tranh cử là khôi phục kinh tế và an ninh, muốn thúc đẩy chương trình của mình với một chính phủ kỹ trị. Tuy nhiên, vị Tổng thống này vẫn phải tranh đấu với phe quân đội.

Một vị trí đáng chú ý trong nội các của Thủ tướng Qandil là Bộ trưởng Tư pháp. Ngày 2/8, giới chức Ai Cập cho biết ông Ahmed Mekky, Phó Chánh án Tòa thượng thẩm Ai Cập, tuyên bố đã đồng ý giữ trọng trách này, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệm vụ quan trọng của ông trong cương vị mới là tìm cách tăng cường sự công bằng xã hội và yếu tố độc lập của hệ thống tư pháp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục