Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan

Trong bối cảnh cả Việt Nam và Thái Lan đều đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh, hai Thủ tướng nhất trí tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 6/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha để trao đổi về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan và hợp tác khu vực trước Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.

Thủ tướng Thái Lan một lần nữa chuyển lời thăm hỏi tới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam về tình hình lũ lụt tại các tỉnh miền Trung và thông báo Chính phủ Thái Lan hỗ trợ Việt Nam 30.000 USD để góp phần hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

Thủ tướng Thái Lan chúc mừng Việt Nam đã ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, là nước ASEAN duy nhất tăng trưởng dương trong năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thái Lan đã kiểm soát tốt được dịch COVID-19, cảm ơn Chính phủ Thái Lan đã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến bay đưa hơn 1.000 công dân Việt Nam tại Thái Lan về nước và gia hạn lưu trú thuận lợi cho công dân Việt Nam tại Thái Lan thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Thái Lan ổn định, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế-xã hội và không ngừng nâng cao vị thế của Thái Lan ở khu vực và trên trường quốc tế.

Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, kể cả trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh cả Việt Nam và Thái Lan đều đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh, hai Thủ tướng nhất trí tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương.

Hai bên sẽ xúc tiến trao đổi phương án mở lại đường bay thương mại, đàm phán Quy chế đi lại ưu tiên giữa hai nước; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có việc tổ chức họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 4 vào thời gian phù hợp; sớm ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2020-2025; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và thúc đẩy ký kết các văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động nhân dịp kỷ niệm trọng thể 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan vào năm 2021.

[ASEAN 2020: Thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt Nam-Thái Lan]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, hai nước nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 20 tỷ USD/năm, đồng thời đề nghị phía Thái tăng cường nhập hàng hóa của Việt Nam, hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, khuyến khích các tập đoàn bán lẻ Thái Lan tăng cường đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của mình để giảm bớt tình trạng nhập siêu của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Thái Lan.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020; hoan nghênh nỗ lực và các sáng kiến Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác; khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan ảnh 2Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và đóng góp của Thái Lan trong các khuôn khổ hợp tác Mekong, mong hợp tác giữa hai nước trong các khuôn khổ hợp tác Mekong tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực.

Hai Thủ tướng chia sẻ tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường đoàn kết, duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông; phối hợp đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục