Thủ tướng: ''Không để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động''

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ý Đảng, lòng dân và tinh thần doanh nghiệp cùng với kinh tế, xã hội và môi trường đều là công thức “3 trong 1” của sự phát triển thịnh vượng và bền vững.
Thủ tướng: ''Không để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động'' ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, nếu địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt việc của mình thì phải làm tốt hơn, phải khắc phục tồn tại, yếu kém để vươn lên.

Lấy ví dụ về việc dịch vụ logistic còn cao, đơn cử một quả xoài xuất khẩu thì khâu dịch vụ logistic chiếm đến 50% giá thành, Thủ tướng đề nghị phải khắc phục khâu yếu này, không để tình trạng "nói nhiều quá mà không hành động."

Đề cập đến vấn đề khát vọng đổi mới sáng tạo, người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải khắc phục nhanh những yếu kém, tồn tại, bất cập đồng thời tránh tình trạng “lý thuyết mãi, còn hành động thì còn nhiều vấn đề cần khắc phục.”

[Thủ tướng nói về những mục tiêu tưởng chừng rất khó đạt trong năm 2019]

Chỉ ra những bất cập, tồn tại hiện nay như giải ngân vốn đầu tư công hay vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là không khí, vấn đề rác thải cùng một số vấn đề bức xúc của xã hội như ma túy trong thanh thiếu niên, ma túy học đường, văn hóa ứng xử… Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương có cách giải quyết nhằm làm tốt hơn, nhanh hơn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Quan trọng hơn, ý Đảng, lòng dân và tinh thần doanh nghiệp cùng với kinh tế, xã hội và môi trường là công thức của sự phát triển thịnh vượng và bền vững.

Về một số định hướng chỉ đạo, điều hành năm 2020, Thủ tướng đề nghị khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tận dụng tốt các tiềm năng thế mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng.

Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm,” Thủ tướng lưu ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục