Ngày 23/10, Thủ tướng Libya Fayez Serraj đã phê chuẩn biện pháp an ninh mới tại thủ đô Tripoli, trong đó tập trung vào việc thành lập các lực lượng hỗn hợp cảnh sát và quân đội để bảo đảm an ninh cho thành phố.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Libya nêu rõ Thủ tướng Serraj, người đứng đầu Hội đồng Tổng thống của Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận, đã thông qua kế hoạch do Ủy ban An ninh đề xuất.
Các biện pháp này an ninh này nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, các tài sản công-tư, cũng như thiết lập trật tự công cộng dựa trên hoạt động an ninh định kỳ, theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của lực lượng cảnh sát. Kế hoạch an ninh mới này sẽ được thực thi với sự phối hợp của Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL).
Cùng ngày, trong cuộc gặp với các chỉ huy quân đội tại thành phố Misurata, cách thủ đô Tripoli 250km về phía Đông, Phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame cho biết cơ quan này dự định thay thế các nhóm vũ trang tại Tripoli bằng một lực lượng chung. Theo ông Salame, thủ đô Tripoli là của toàn thể người dân Libya, vì thế mọi người dân đều có quyền tiếp cận khu vực trên một cách an toàn.
[Libya thành lập lực lượng chung để chấm dứt xung đột tại Tripoli]
Tháng Tám vừa qua, giao tranh giữa các lực lượng thân chính phủ và các nhóm vũ trang khác tại vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Tripoli đã khiến ít nhất 117 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.
Tình trạng bạo lực cũng đẩy 25.000 người vào cảnh phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và là mối đe dọa trực tiếp đối với khoảng 500.000 trẻ em tại khu vực. Ngày 26/9 vừa qua, GNA tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới, chấm dứt một tháng giao tranh giữa các lực lượng dân quân đối địch ở khu vực trên. Theo đó, các lực lượng đối địch triển khai hiệp ước do Liên hợp quốc bảo trợ ký ngày 4/9 nhằm thiết lập một đơn vị an ninh chung để cùng tuần tra các vùng ngoại ô phía Nam của thủ đô Tripoli.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA chưa thành lập được lực lượng quân đội riêng mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.