Chiều 19/8, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha.
Chuyến thăm được đánh giá là thành công rực rỡ trên cả ba phương diện ngoại giao Nhà nước, xúc tiến đầu tư và đối ngoại nhân dân.
Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân nghi thức đón tiếp cấp quốc gia dưới sự chủ trì của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha và Phu nhân. Điểm đặc biệt so với những chuyến thăm chính thức khác của Thủ tướng và Đoàn Cấp cao Việt Nam là trong suốt hành trình của đoàn từ Thủ đô Bangkok đến tỉnh Nakhon Phanom luôn có Bộ trưởng Bộ Xã hội và Kinh tế số Vương quốc Thái Lan – một thành viên trong nội các, đại diện cho Chính phủ Hoàng gia Thái Lan tham gia đoàn.
[Việt Nam là Đối tác chiến lược duy nhất của Thái Lan trong ASEAN]
Trên phương diện đối ngoại song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm hết sức thành công với Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha tại Thủ đô Bangkok. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD trước năm 2020; hỗ trợ nhau trở thành trung tâm thu hút đầu tư thương mại của khu vực; nhất trí tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau; thúc đẩy hợp tác về gạo. Thủ tướng Prayut Chan-ocha khẳng định khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu cho phát triển của Việt Nam như du lịch, công nghiệp phụ trợ, tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, nông thuỷ sản.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và nâng cao lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; tôn trọng các nguyên tắc tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia Pornpetch Wichitcholchai, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật, Tướng Prem Tinsulanonda. Tại các cuộc gặp, hai bên đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên hoan nghênh những tiến bộ đáng kể đạt được trong khuôn khổ Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược Thái Lan - Việt Nam (2014-2018) và nhất trí mở rộng các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trong quan hệ xúc tiến đầu tư Việt Nam – Thái Lan, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các Bản ghi nhớ giữa các bộ ngành hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng; và các bản ghi nhớ khác giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước.
Về nội dung xúc tiến đầu tư – một thành công nổi bật của chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan. Cùng tham dự có Đại tướng, Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong và hơn 500 doanh nghiệp hai nước. Cũng ngay tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng, Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong đã chứng kiến hàng loạt văn kiện, bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan.
Thủ tướng cũng đã dành một phần lớn thời gian chuyến thăm để làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan nhằm xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng cũng đích thân tham dự khai mạc "Tuần lễ Việt Nam ở Thái Lan" để quảng bá những sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan. Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, với các hoạt động dày đặc, hiệu quả của Thủ tướng, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam.
Một trong những thành công đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là hoạt động đối ngoại nhân dân. Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom. Không chỉ là công trình tưởng niệm Bác Hồ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được xây dựng tại Thái Lan, đây còn là một công trình văn hóa, lịch sử được xây dựng bởi sự kết hợp giữa tâm nguyện tha thiết của bà con Việt kiều tại Thái Lan và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đáng chú ý, không chỉ dành thời gian tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái - Việt, Thủ tướng đã có tới 3 lần gặp gỡ cộng đồng, bà con kiều bào, doanh nhân Việt kiều và các hội đoàn người Việt tại Thủ đô Bangkok và tỉnh Nakhon Phanom. Tại các cuộc gặp gỡ, chuyển lời thăm hỏi ân cần của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến bà con, Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thủ tướng căn dặn bà con phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc, lá lành đùm lá rách; duy trì tình đoàn kết, đùm bọc, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, làm tốt vai trò cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan.
Đây là chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Thành công của chuyến thăm đã góp phần hết sức quan trọng vào việc đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan lên một tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn, đáp ứng mong đợi của Chính phủ và nhân dân hai nước./.