Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, trong đó, về đầu tư, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 9/9, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 năm 2023.

Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia; tình hình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, Chính phủ xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2024; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm (2021-2025); tình hình thực hiện Kế hoạch Đầu tư Công năm 2023, dự kiến Kế hoạch Đầu tư Công năm 2024; đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Đầu tư Công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và một số vấn đề quan trọng khác.

Kết quả tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước

Các thành viên Chính phủ cho rằng trong tháng 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Trong số đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; các nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

[Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tám]

Cùng với đó, chỉ đạo, đôn đốc các dự án trọng điểm; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kết nối các tuyến đường bộ cao tốc; chú trọng chỉ đạo về các vấn đề quan trọng, cấp bách phát sinh, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen;” ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất và bảo đảm an toàn hồ đập; bảo đảm sách giáo khoa, giáo viên cho năm học mới.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát, tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 8 tháng tăng 3,1%, thấp hơn nhiều mục tiêu khoảng 4,5%.

Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán. Nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn ảnh 2Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại, trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD; tính chung 8 tháng xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, xuất siêu gần 20,2 tỷ USD.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi tốt, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng tích cực hơn, tháng 8 có trên 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; các loại dịch bệnh được kiểm soát; đời sống người dân được cải thiện. Cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; tình hình chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và toàn xã hội; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng lên.

Đối với tình hình triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chính phủ cho biết, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt gần 94,7 nghìn tỷ đồng và chi đầu tư phát triển khoảng 33.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 299.447 tỷ đồng, đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ quy định quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia là 10.139,674 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch.

Chính phủ cũng thảo luận, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như: tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi như trước dịch COVID-19; nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước," đóng góp vào kết quả chung của 8 tháng năm 2023.

Trong tháng 8 và 8 tháng, kết quả quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đó là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Phân tích về kết quả, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm. Trong đó nhấn mạnh, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo điều hành; tăng cường đoàn kết, thống nhất và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Cùng với đó, phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, càng khó khăn thì càng nỗ lực, vươn lên; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài; đẩy nhanh các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tích cực lắng nghe và quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

Kiên quyết tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Phân tích tình hình, chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phải thực hiện trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Trong số đó lưu ý xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó phù hợp, vừa có những giải pháp mang tính đột phá trong ngắn hạn, vừa có giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn; đồng thời ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân.

“Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần được xác định rõ là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2023,” Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Tinh thần đặt ra là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nhưng cũng cương quyết xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Trong đó, về đầu tư, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia; phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP); tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn ảnh 3Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng năm 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đối với động lực về xuất khẩu, Thủ tướng chỉ đạo giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; tận dụng cơ hội các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.

Về tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng; phát triển mạnh thương mại điện tử; tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Cho rằng công tác điều phối kinh tế vĩ mô giữa các bộ, ngành có tính chất quan trọng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách đồng bộ, phù hợp, kịp thời, hiệu quả cần đặc biệt lưu ý và nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và phải hoàn thành trong năm 2023. Đồng thời, tập trung triển khai Quy hoạch điện 8; trước hết hoàn thiện, ban hành ngay kế hoạch triển khai thực hiện trong tháng 9/2023.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06; chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại; tăng cường công tác thông tin, truyền thông tạo đồng thuận và đoàn kết trong toàn xã hội và đoàn kết quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.

Các địa phương phải chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền; chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật./.

Sáng 9/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023; đồng thời cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội (trong đó có các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, đầu tư công, Ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2025; các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính-Ngân sách Nhà nước 5 năm 2021-2025). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 9/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023; đồng thời cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội (trong đó có các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, đầu tư công, Ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2025; các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính-Ngân sách Nhà nước 5 năm 2021-2025). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các Bộ trưởng tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các Bộ trưởng tham dự Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục