Thừa Thiên-Huế chi trả 923 tỷ đồng bồi thường sự cố môi trường biển

Hiện nay, môi trường biển và đầm phá tại Thừa Thiên-Huế ổn định, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch biển phát triển tốt.
Thừa Thiên-Huế chi trả 923 tỷ đồng bồi thường sự cố môi trường biển ảnh 1Bằng nguồn tiền chi trả bồi thường sự cố môi trường biển, ngư dân ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang đầu tư sửa chữa thuyền, phục vụ đánh bắt thủy sản. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 7/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết đến nay, tỉnh đã chi trả 923,835 tỷ đồng/1.010 tỷ đồng (đạt 91,47%) nguồn kinh phí bồi thường tạm cấp cho 41.766 đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 28 xã, thị trấn vùng ven biển, đầm phá.

Hiện còn 86,165 tỷ đồng chưa chi trả được do một số người thuộc diện được đền bù đi làm ăn xa, chưa đến nhận tiền; một số đối tượng sau khi được thẩm tra chưa đủ điều kiện nhận bồi thường theo quy định.

Các địa phương đang tiếp tục rà soát để hoàn thành dứt điểm công tác chi trả trước ngày 15/7/2017.

Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà đều thực hiện chi trả bồi thường sự cố môi trường biển công khai, minh bạch và kịp thời cho người dân theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg, Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Huyện Phong Điền đã chi trả 76,051 tỷ đồng cho 3.421 đối tượng; huyện Quảng Điền đã chi trả 104,769 tỷ đồng cho 6.304 đối tượng; huyện Phú Vang đã chi trả 357,983 tỷ đồng cho 17.276 đối tượng; huyện Phú Lộc đã chi trả 330,247 tỷ đồng cho 12.406 đối tượng; thị xã Hương Trà đã chi trả 50,269 tỷ đồng cho 2.299 đối tượng.

[10 sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong năm 2016]

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau hơn một năm xảy ra sự cố môi trường biển, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và các địa phương ven biển bị ảnh hưởng nói riêng đã ổn định. Người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đã được nhận tiền đền bù thuận lợi, an toàn và đều phấn khởi, đồng tình cao với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc tổ chức kê khai, xác định, thẩm định mức độ và đối tượng thiệt hại được tổ chức công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Cùng với đó, việc chi trả được tổ chức chặt chẽ từ khâu rà soát, điều tra, đánh giá, phê duyệt cũng như sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền và giám sát thực hiện.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương giải quyết kịp thời các đơn thư kiến nghị của người dân và về cơ sở đối thoại trực tiếp với người dân, nhờ đó, không có phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục tập trung vào chuyển đổi nghề, phát triển nghề biển, nhất là dành nguồn kinh phí bồi thường để cải tạo vùng nuôi trồng thủy sản và mua con giống (tôm, cua, cá) để nuôi trồng trên đầm phá nhằm ổn định sinh kế bền vững.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành và địa phương vùng ven biển triển khai thực hiện đề án khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.

Ngành tài nguyên và môi trường tỉnh tăng cường công tác quan trắc môi trường biển và đầm phá để phục vụ tốt cho việc nuôi trồng thủy sản của người dân.

Hiện nay, môi trường biển và đầm phá tại Thừa Thiên-Huế ổn định, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch biển phát triển tốt. Hoạt động khai thác hải sản trên biển ở vùng xa bờ đã tăng dần về sản lượng. Tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 17.000 tấn, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục