Thúc đẩy dùng phần mềm mã nguồn mở ở Việt Nam

Ngày 14/12 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo "Thúc đẩy phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở" tại Việt Nam.
Ngày 14/12 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Thúc đẩy phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở," nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin thảo luận, đóng góp ý tưởng thúc đẩy việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong các cơ quan Nhà nước tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định, cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng đã có những chính sách về vấn đề nguồn mở.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở. Đây là một trong những giải pháp hàng đầu hỗ trợ đắc lực các tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm làm chủ công nghệ, tránh sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp giải pháp độc quyền, giảm chi phí mua sắm phần mềm, góp phần đảm bảo khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ quan nhà nước, đồng thời góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở ở Việt Nam còn hạn chế vì thiếu các quy định cụ thể về việc áp dụng các chuẩn mở, chính sách, cơ chế tài chính, định mức, các quy định cụ thể về ứng dụng phần mềm nguồn mở cũng như chính sách ưu tiên sử dụng trong các cơ quan Nhà nước làm cơ sở để các cơ quan thống nhất thực hiện.

Việc ứng dụng phần mềm nguồn mở cũng gặp nhiều cản trở do hạn chế về nhận thức đối với loại phần mềm này.

Đánh giá tình hình ứng dụng phần mềm nguồn mở trong các cơ quan nhà nước, đại diện Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cấp lãnh đạo, các cán bộ công chức viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cán bộ công chức trong các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin đã bước đầu nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của phần mềm mã nguồn mở.

Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thực hiện rất tốt việc triển khai và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Nhiều địa phương đã thực hiện ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị như Ninh Thuận, Hải Phòng, Phú Thọ, Lâm Đồng, Điện Biên, Đắk Lắk...

Bốn phần mềm mã nguồn mở gồm OpenOffice, Unikey, Firefox, Thunderbird đã được cài đặt trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương với tỷ lệ từ 30-50%.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở tại Việt Nam như nghiên cứu, xây dựng quy chế bắt buộc tất cả các máy tính trạm hoặc máy tính chủ được mua mới trong các cơ quan Nhà nước phải cài đặt sẵn tất cả các phần mềm trong danh mục phần mềm nguồn mở đã được ban hành;

Bên cạnh đó cần có cơ chế bắt buộc cán bộ công chức sử dụng một số phần mềm mã nguồn mở và hình thành cộng đồng các lập trình viên và các công ty phần mềm tự do nguồn mở cung cấp các sản phẩm giải pháp nguồn mở phục vụ thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục