Thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Petr Fiala từ ngày 20-22/4 tới sẽ tiếp tục củng cố nền móng cho quan hệ ngày càng phát triển giữa chính phủ và người dân hai nước Việt Nam và Séc.
Thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Séc vừa thực hiện chuyến thăm trường Đại học Nam Séc tại thành phố Ceske Budejovice nhằm thúc đẩy giao lưu hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa và du lịch.

Tại cuộc làm việc với Giáo sư, Tiến sỹ Bohumil Jirousek, Hiệu trưởng, và ban lãnh đạo trường Đại học Nam Séc, Đại sứ Thái Xuân Dũng đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa trường với các trường đại học ở Việt Nam như trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh-HUTECH, trường Đại học Cửu Long, Học viện Thủy sản Nha Trang.

Các lĩnh vực hợp tác tập trung vào các thế mạnh của trường Đại học Nam Séc với thành tựu nghiên cứu như phát triển và quản lý nghề cá, quản lý tài nguyên nước…

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, quan hệ hợp tác giữa trường Đại học Nam Séc và các trường đại học đối tác tại Việt Nam đã được triển khai rất tích cực.

Bên cạnh việc trao đổi giảng viên, sinh viên, trong tháng 10/2022, đoàn công tác trường Đại học Nam Séc đã có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam và đã ký 2 biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh-HUTECH và trường Đại học Cửu Long.

Thành quả bước đầu của sự hợp tác giữa trường Đại học Nam Séc và trường Đại học Tôn Đức Thắng là việc ra mắt cuốn sách “Introduction to the EU Law-Giới thiệu về Luật Liên minh châu Âu” mà tác giả là Tiến sỹ Martina Krasnicka, Tiến sỹ Rudolf Hruby, Khoa Luật và Quản lý khu vực, trường Đại học Nam Séc, và Tiến sỹ Phan Đạo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác châu Âu, trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ảnh 2 Đại sứ Thái Xuân Dũng dự lễ ra mắt cuốn sách “Introduction to the EU Law - Giới thiệu về Luật Liên minh châu Âu”. (Ảnh: TTXVN phát)

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ cho sinh viên kinh tế-luật của hai trường mà còn cho cả cộng đồng người Việt Nam tại Séc và các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và EU, trong đó có Cộng hòa Séc, đang nỗ lực triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam và EU (EVIPA).

[Thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhân dân Việt Nam-Séc]

Đại sứ Thái Xuân Dũng đề nghị trường Đại học Nam Séc tăng cường hợp tác với các trường đại học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…; xem xét trao học bổng cho các sinh viên, nghiên cứu sinh xuất sắc từ các trường đại học tại Việt Nam; hai bên cần trao đổi, đề xuất những dự án nghiên cứu khoa học cụ thể, trước mắt tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu nghề cá và bảo vệ môi trường nước là lĩnh vực mà trường Đại học Nam Séc đã có những thành tựu nghiên cứu hàng đầu.

Thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ảnh 3Đại sứ Thái Xuân Dũng và đoàn công tác làm việc với bà Dagmar Skodova Parmova, Thị trưởng thành phố Ceske Budejovice. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong trao đổi và thảo luận với Thị trưởng thành phố Ceske Budejovice, bà Dagmar Skodova Parmova, Đại sứ Thái Xuân Dũng bày tỏ rất vui mừng khi lần đầu tiên được đến thăm thành phố cổ kính và xinh đẹp với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; đề xuất Thị trưởng tiếp tục quan tâm giúp đỡ và tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại vùng Nam Bohemia làm ăn, sinh sống và hội nhập bền vững vào đời sống kinh tế-xã hội của Séc.

Đại sứ nhấn mạnh tới quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, với gần 100.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Séc và gần 300.000 người Việt Nam đã từng học tập và làm việc tại Séc, trong đó có nhiều người đang giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam; sự hợp tác đang phát triển nhanh chóng, thuận lợi giữa trường Đại học Nam Séc và các trường đại học tại Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Petr Fiala từ ngày 20-22/4 tới đây sẽ tiếp tục củng cố nền móng cho quan hệ ngày càng phát triển giữa chính phủ và người dân hai nước Việt Nam và Séc, trong đó có quan hệ hợp tác giữa hai trường Đại học Tôn Đức Thắng và trường Đại học Nam Séc.

Bên cạnh đó, Đại sứ tin tưởng rằng Hiệp định Hợp tác Giáo dục cấp chính phủ giữa Việt Nam và Séc trong giai đoạn mới sẽ sớm được ký kết để tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy sự hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước.

Nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa hai bên, Đại sứ Thái Xuân Dũng đề xuất Thị trưởng thành phố Ceske Budejovice xem xét thiết lập quan hệ đối tác kết nghĩa với hai địa phương ven biển của Việt Nam là tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận.

Đây là 2 tỉnh ven biển Nam Trung Bộ của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ chương trình, kế hoạch thuộc chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Việc trao đổi, ký kết và triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa các địa phương với nhau, đóng góp thiết thực vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước.

Thị trưởng thành phố Ceske Budejovice ghi nhận các sáng kiến của Đại sứ và trân trọng mời Đại sứ dự lễ hội văn hóa của thành phố tổ chức vào tháng Sáu tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục