Thúc đẩy mối quan hệ đối tác thực chất giữa Việt Nam và Đức

Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ là một bàn đạp vững chắc cho việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Đức trong thời gian tới.

Hội thảo hợp tác kinh tế Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức với sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp của hai nước đã được tổ chức vào ngày 3/10, tại Hà Nội.

Hoạt động này do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Tập đoàn Hương Sen tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa Việt-Đức 2020.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) EVFTA - vừa có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và các doanh nghiệp của hai bên đang cùng nhau chèo chống để vượt cơn khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra.

[Thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức]

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1975.

Trên chặng đường 45 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức phát triển mạnh mẽ ở hầu hết mọi lĩnh vực, đặc biệt được hai nước nâng cấp lên thành đối tác chiến lược vào năm 2011 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10 cùng năm.

Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những nước có cộng đồng đông đảo người Việt với hơn 170.000 người sinh sống và phân bổ đều tại khắp các khu vực trên lãnh thổ.

Đến nay ở Việt Nam cũng có trên 100.000 người nói thạo tiếng Đức và từng tốt nghiệp các trường ở Đức.

Đây chính là cầu nối quan trọng để tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân hai nước.

Lãnh đạo các cấp của Cộng hòa Liên bang Đức đều đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Đức về việc hội nhập tốt và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nước Đức. Sự gắn kết giữa người dân và hai quốc gia chính là nền tảng vững chắc cho giao thương, đầu tư của doanh nghiệp hai nước trong tương lai.

Trên nền tảng vững chắc của quan hệ chính trị, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đức không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua. Đức luôn là đối tác thương mại lớn nhất tại châu Âu của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2019 lên tới hơn 15 tỷ USD.

Hiện nay, trên toàn nước Đức đã có hơn 8.000 doanh nghiệp của người Việt, và ngược lại, có khoảng hơn 300 doanh nghiệp Đức đang triển khai các dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, chế tạo máy, logistics… tại Việt Nam.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng năm 2020 rất khó khăn khi cả thế giới đang phải lao đao gồng mình chống chọi lại với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 mang lại.

Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ là một bàn đạp vững chắc cho việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Đức trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, năm 2020 Việt Nam vừa giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Trong khi đó Cộng hòa Liên bang Đức là chủ tịch luân phiên của EU vào 6 tháng cuối năm 2020.

Các trọng trách đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để hai nước đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam-Đức cả về sản xuất và dịch vụ thương mại.

Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra tọa đàm "Thúc đẩy quan hệ đối tác thực chất để cùng phát triển."

Các đại biểu đã nghe ông Andreas Stoffers, Trưởng Đại diện Viện Friedrich Nauman, đối tác tư vấn EVFTA của Bộ Ngoại giao Việt Nam; Đỗ Văn Vẻ, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen; Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng ban Ban Kết nối cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trao đổi về cơ hội, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam-Đức trong bối cảnh hoàn toàn mới: EVFTA có hiệu lực và ảnh hưởng của dịch COVID-19; việc thúc đẩy sự hợp tác kinh tế của các quốc gia thành viên EVFTA nói chung và mối quan hệ đối tác Đức-Việt nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục