Thúc đẩy phát triển giáo dục trung học cơ sở ở vùng khó khăn nhất

Dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất sau 6 năm hoạt động đã thúc đẩy phát triển giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn.
Thúc đẩy phát triển giáo dục trung học cơ sở ở vùng khó khăn nhất ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội nghị tổng kết Dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Dự án sau 6 năm hoạt động (8/2008-6/2014).

Đánh giá về dự án, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất sau 6 năm hoạt động đã thúc đẩy phát triển giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng khó khăn.

Dự án đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các địa phương, nhà trường, giáo viên và học sinh, thúc đẩy các trường trung học cơ sở vùng khó khăn phát huy nội lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Bà Eiko K.Izawa, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á cũng chia sẻ dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất là Dự án thành công nhất trong số các dự án tại Việt Nam được ngân hàng tài trợ. Đây cũng là dự án đầu tiên không cần gia hạn thêm thời gian để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Để có được kết quả, Dự án đã được thiết kế phù hợp, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà tài trợ và Chính phủ đã giải quyết nhu cầu thực tế của địa phương. Ban quản lý Dự án đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành các mục tiêu của dự án theo đúng tiến độ, nhận được phản hồi tích cực từ người thụ hưởng lợi ích của dự án.

Báo cáo tổng kết dự án, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất cho biết qua 6 năm triển khai tại 17 tỉnh, Dự án đã nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục trung học cơ sở cho trẻ em vùng khó khăn, đặc biệt là trẻ em gái, trẻ em dân tộc ít người.

Dự án đã xây dựng 820 phòng học, 978 phòng bán trú học sinh ở các trường trung học cơ sở, 48 phòng học ở 8 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đến tháng Năm, đã có gần 38.000 học sinh trung học cơ sở và hơn 1.500 học viên giáo dục thường xuyên học trong phòng học mới và hơn 8.500 học sinh bán trú ở tại các phòng do dự án đầu tư xây dựng.

Đây cũng là dự án đầu tiên có sự hỗ trợ cho học sinh trung học cơ sở bán trú, giảm bớt khó khăn về điều kiện ăn ở cho học sinh ở xa trường, thay thế dần hình thức “bán trú dân nuôi” ở vùng sâu, vùng xa đã tồn tại từ lâu.

Dự án cũng đã đầu tư xây dựng 467 phòng công vụ cho giáo viên, các trường dành để ưu tiên bố trí chỗ ở cho giáo viên nữ, giáo viên dân tộc thiểu số; tập huấn cho giáo viên, góp phần nâng cao lòng yêu nghề, thái độ thân thiện, năng lực áp dụng phương pháp dạy học tích cực và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Chương trình đã cấp học bổng cho 210 sinh viên của 17 dân tộc vào học Cao đẳng Sư phạm để tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ nữ, dân tộc thiểu số trong đội ngũ giáo viên trung học cơ sở vùng khó khăn nhất; cấp học bổng cho học sinh dân tộc ít người nhằm tạo cơ hội cho nhóm khó khăn nhất trong số học sinh dân tộc trên địa bàn hoàn thành chương trình trung học cơ sở.

Ông Trần Văn Thanh nhấn mạnh chính nhờ những hoạt động cụ thể của dự án, tỷ lệ trẻ em trung học cơ sở đi học đúng tuổi đã tăng dần qua các năm; tỷ lệ học sinh nữ trung học cơ sở đi học cũng tăng dần; giảm lưu ban, bỏ học và tăng tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục