Thúc đẩy toàn diện quan hệ chiến lược Nhật-Việt

Theo Bộ Ngoại giao Nhật, chuyến thăm của Thủ tướng Kan khẳng định rõ việc Nhật coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Ông Satoru Satou, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nhật Bản nói, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tới Việt Nam (dự kiến vào ngày 30-31/10) là sự khẳng định rõ ràng việc Nhật Bản coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 và trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản, ngày 29/10, tại Hà Nội, ông Satou cho biết, Nhật Bản mong muốn, thông qua chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nhật, hai bên sẽ thúc đẩy một cách toàn diện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Dự kiến Thủ tướng Nhật sẽ trao đổi với Thủ tướng Việt Nam các vấn đề hợp tác song phương, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, việc thực hiện các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam, việc chuyển giao các công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản cho Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Naoto Kan tới Việt Nam lần này cũng là sự thể hiện mong muốn và cam kết của Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, ông Satou nói.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Kan ra nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức Thủ tướng Nhật và là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Nhật tới Việt Nam kể từ tháng 11/2006.

Trước chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Kan sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 5 - cơ chế mà Nhật Bản rất ủng hộ và cho là có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực - diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 17.

Theo ông Satou, Hội nghị cấp cao Đông Á ra đời vào năm 2005 và năm nay các quốc gia thành viên đã đồng ý mở rộng cơ chế này và sẽ chính thức mời Nga và Mỹ tham gia. Với sự mở rộng này, Cấp cao Đông Á ngày càng nắm vai trò quan trọng trong đẩy mạnh hợp tác khu vực, không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế mà cả các vấn đề liên quan đến chính trị-an ninh.

“Chúng tôi hiểu rằng Việt Nam đã chuẩn bị dự thảo Tuyên bố Hà Nội, trong đó chỉ ra định hướng phát triển của Cấp cao Đông Á trong tương lai. Và Nhật Bản ủng hộ các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị cấp cao Đông Á,” ông Satou nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết Nhật Bản ủng hộ ASEAN thực hiện “Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN” mà các nhà lãnh đạo vừa thông qua trong khuôn khổ hội nghị ASEAN 17.

“Đây là một kế hoạch rất lớn của ASEAN bao quát nhiều lĩnh vực. Và chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch hợp tác nhằm giúp ASEAN thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN trên cả 3 lĩnh vực kết nối về hạ tầng vật chất, về thể chế và kết nối con người với con người,” ông nói.

Liên quan đến hợp tác với năm quốc gia thuộc Tiểu vùng Mekong, ông Satou khẳng định, Nhật Bản hiểu rằng sự phát triển của khu vực Tiểu vùng Mekong rất quan trọng đối với việc hội nhập và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Tại Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần 2, lãnh đạo hai bên đã nhìn lại kết quả hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Hành động 63 điểm và từ đó thông qua ba văn kiện đó là Tuyên bố chung, Chương trình hành động triển khai sáng kiến “Hướng tới thập kỷ Mekong xanh” và Chương trình hành động “Sáng kiến hợp tác kinh tế Công nghiệp Mekong-Nhật Bản.

Về vai trò của Việt Nam với tư cách Chủ tich ASEAN, ông Satou nói Nhật Bản đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan và tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò chủ tịch của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục