Nhằm thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng xu hướng của thị trường, ngày 24/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức hội thảo Thúc đẩy rừng trồng cao su bền vững và chứng chỉ FSC cho các công ty cao su tại Việt Nam.
Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành cao su thiên nhiên đã có những bước phát triển nhanh và có diện tích lớn nhất trong các cây công nghiệp dài ngày tại Việt Nam, đạt trên 976.000ha vào năm 2016.
Với diện tích các vườn cây cao su thanh lý đang gia tăng trong thời gian gần đây, gỗ cao su ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành gỗ và sản phẩm gỗ, góp phần giảm áp lực nhập khẩu và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành gỗ Việt Nam.
Trong năm 2016, gỗ cao su đã đóng góp 22,1% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam và đóng góp 31,7% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành cao su.
[Không mở rộng diện tích cây cao su ở các tỉnh Tây Nguyên]
Trong những năm gần đây, thế giới ngày càng quan tâm đến tình trạng suy giảm đối với diện tích và chất lượng rừng, gây ảnh hưởng lớn đối môi trường tự nhiên và khả năng cung cấp sản phẩm từ rừng.
Xu hướng chuyển sang sử dụng sản phẩm từ rừng có nguồn gốc hợp pháp hoặc có chứng nhận quản lý bền vững trên thị trường thế giới ngày càng gia tăng trong bối cảnh các nước đang nỗ lực chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, chứng chỉ rừng được xem là công cụ để thiết lập quản lý rừng bền vững, đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.
Ông Lê Thiện Đức, Quản lý Chương trình rừng thuộc WWF Việt Nam cho biết, mặc dù, tiếp cận vấn đề quản lý rừng bền vững từ khá sớm, tuy nhiên diện tích rừng được cấp chứng chỉ ở Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Hiện, chỉ mới có khoảng 230.000ha diện tích được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC), đạt 42% so với mục tiêu 500.000 ha vào năm 2020; đồng thời, Việt Nam cũng chưa trình FSC bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững.
Đối với sản phẩm gỗ cao su vẫn còn là lĩnh vực tương đối mới nên đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có diện tích rừng cao su được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, hiện các nước tiêu thụ gỗ cao su chưa đặt nặng vấn đề có chứng chỉ FSC, song về lâu dài thì đây là một trong những yêu cầu tất yếu của thị trường.
Hiện các sản phẩm gỗ có chứng nhận cũng có mức giá cao hơn so với sản phẩm thông thường từ 10-15%.
Trong thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ đẩy mạnh trồng rừng đạt chứng chỉ FSC ở các đơn vị thành viên để đồng hành với các nhà tiêu thụ.
Theo khuyến nghị của WWF, để phát triển rừng trồng cao su bền vững, phần diện tích rừng cao su phải đảm bảo các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế; có quyền sử dụng đất và sở hữu đất rõ ràng; có sự tôn trọng và hỗ trợ người bản địa. Đồng thời, có phương án quản lý bền vững và thực hiện theo phương án quản lý; có biện pháp quản lý giảm thiểu tác động đến môi trường, cải thiện đa dạng sinh học, xác định các vùng loại trừ./.