Thực hiện đồng bộ giải pháp ổn định kinh tế

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 nhằm thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3, quí 1/2010 và các dự án luật và nghị định trong ba ngày, từ 30/3-1/4.

Một trong những trọng tâm của phiên họp lần này là các thành viên Chính phủ đã thảo luận và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và bảo đảm tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010.

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Ba và quí 1/2010, các thành viên Chính phủ cho rằng, nhờ thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp nên các chính sách về tài chính, tiền tệ, khuyến khích xuất khẩu… bước đầu phát huy tác dụng và đạt được những kết quả nhất định.

Nổi bật là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được phục hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với tăng trưởng của quí 1/2009 (quí 1/2010 là 5,83%, quí 1/2009 là 3,14%), trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, xây dựng tăng 17,4%, nông-lâm-ngư nghiệp tăng 5,8% và giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,6%.

Thị trường trong nước tiếp tục phát triển ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 24,1%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 26,2% so với cùng kỳ, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước tăng 46,4%. Các mặt về an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân tiếp tục được giải quyết tốt.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do hạn hán, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả sản xuất và đời sống nhân dân.

Giá cả trong những tháng đầu năm tăng khá cao so với các năm trước, trong đó tháng Ba tăng 0,75% đưa chỉ số giá của quí 1 tăng lên 4,12%.

Xuất khẩu thời gia qua giảm sút, trong khi nhập khẩu tăng (xuất khẩu quí 1 giảm 1,6%, nhập khẩu tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước). Việc huy động vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn tín dụng với lãi suất đang tăng cao khi phải vay với lãi suất thỏa thuận.

Về những giải pháp trong thời gian tới, các thành viên Chính phủ kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát, tổ chức tốt việc theo dõi diễn biến cung-cầu thị trường trong và ngoài nước để kịp thời áp dụng các giải pháp điều tiết cung-cầu và bình ổn thị trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các qui định về lưu thông hàng hóa để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả đối với các hiện tượng đầu cơ tăng giá và gian lận thương mại...

Kết luận phần thảo luận về kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, bên cạnh kết quả đã đạt được thì trong quí 1/2010 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng thấp trong nhiều năm qua (trừ quí 1/2009 do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới).

Nguyên nhân là do nền kinh tế mới chuyển đổi, thị trường vốn chưa phát triển do vậy doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng trong khi lãi suất tăng cao dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm (2,19%), đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, chưa lành mạnh và chưa ổn định biểu hiện ở giá tiêu dùng tăng cao, nhập siêu lớn, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế, thị trường tiền tệ chưa ổn định.

Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao quay trở lại và bảo đảm tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010 có ý nghĩa quan trọng để tập trung chỉ đạo điều hành nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng nêu rõ.

Về các giải pháp kiềm chế lạm phát, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán để triền khai vừa bảo đảm tăng trưởng nền kinh tế vừa kiềm chế lạm phát...

Tập trung hoàn thiện thể chế

Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp thường kỳ Chính phủ lần này là các thành viên Chính phủ đã nghe, cho ý kiến về “Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020” và Đề án “Hệ thống an sinh xã hội với dân cư nông thôn giai đoạn 2011-2020,” báo cáo sơ kết thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 hướng dẫn thi hành Luật Cư trú; Dự án Luật viên chức; Dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng; dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Nghị định qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông áp dụng đối với một số vi phạm ở khu vực nội thành Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Các thành viên Chính phủ cơ bản nhất trí với tờ trình của các bộ, ngành về đề án, sửa đổi nghị định, các dự án luật và kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng chính sách sử dụng nhân tài, mở cửa cho viên chức và công chức làm thêm ngoài, hỗ trợ cho việc thuê chuyên gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh trình Chính phủ ban hành đối với các nghị định và Quốc hội đối với các dự án luật./.

Thiện Thuật (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục