Thực hiện Nghị định 67: Ngư dân vẫn chưa được hưởng lợi

Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đã được ban hành và có hiệu lực hơn hai tháng tuy nhiên đến nay người dân chưa hề tiếp cận được nguồn vốn hay bất kỳ chính sách nào từ Nghị định này.
Thực hiện Nghị định 67: Ngư dân vẫn chưa được hưởng lợi ảnh 1Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng Hòn Rớ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành, đã có khoảng 10 Quyết định và 8 Thông tư hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống; tuy nhiên đến nay người dân chưa hề được hưởng lợi từ những chính sách trên.

Những vấn đề này vừa được bàn luận tại chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để ngư dân vững vàng vươn khơi” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (4/11), tại Hà Nội.

Nông dân chờ vốn

Chỉ sau hơn hai tháng từ khi có kết luận của Thủ tướng tại hội nghị chuyên đề về thủy sản tại Đà Nẵng ngày 15/4/2014, đến ngày 8/7 Nghị định 67 đã được ban hành, quy định 5 nhóm chính sách lớn để phát triển thủy sản.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị định 67 lần này là chính sách tín dụng cho đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hải sản xa bờ. Đây là một chính sách rất mạnh, rất thông thoáng về việc hỗ trợ lãi suất, thời gian vay, tỷ lệ vốn đối ứng và tài sản thế chấp nên ngư dân rất hưởng ứng chính sách này.

Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết, khi Nghị định 67 được ban hành, ngân hàng đã rất tích cực triển khai.

Ngân hàng đã thành lập các đường dây nóng để hỗ trợ cho người dân, bên cạnh đó còn xây dựng cẩm nang vay vốn, dự thảo mẫu đề nghị vay vốn, phương án phải trả để bà con tiếp cận đơn giản, phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất của bà con.

Tuy nhiên hiện nay nguồn vốn vẫn chưa giải ngân được là do chưa có danh sách ngư dân được hỗ trợ và ngân hàng cũng chưa nắm được nhu cầu vay vốn của ngư dân.

Ông Thành cho rằng, các cán bộ nghiệp vụ cơ sở phải chủ động đến với bà con địa phương tuyên truyền hướng dẫn, nắm nhu cầu vay vốn của bà con. Khi ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách bà con đủ điều kiện thì ngân hàng sẽ ngay lập tức giải ngân để rút ngắn thời gian.

“Quan hệ giữa ngân hàng và người dân là quan hệ “vay-trả” chứ không phải cho không, nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất do đó địa phương cần hướng dẫn cụ thể người dân khi tham gia chính sách này,” Phó Tổng Giám đốc Lê Trung Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về sự ách tắc từ phía địa phương, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, Nghị định 67 có nhiều chính sách tốt, đáp ứng được mức độ mong mỏi, hưởng ứng của bà con ngư dân. Nhưng do bị giới hạn về khả năng khai thác của nguồn lợi nên số lượng tàu được phép đóng mới, nâng cấp cải hoán sẽ thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tiễn, việc lựa chọn những ngư dân nào được phép tham gia chương trình lại là công việc rất khó tại địa phương. Để đảm bảo việc lựa chọn được công bằng, khách quan, Nghị định cũng quy định quy trình xét duyệt các đối tượng được tham gia chương trình.

Thực hiện Nghị định 67: Ngư dân vẫn chưa được hưởng lợi ảnh 2Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Để ngư dân vững vàng vươn khơi." (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Mặc dù vậy, đến nay người dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, do theo hướng dẫn trong Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước quy định, ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, trong danh sách được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thì mới liên hệ với ngân hàng thương mại để làm hồ sơ vay vốn.

Trong khi đó, việc đăng ký và xét duyệt đối tượng đủ điều kiện vay vốn được đưa lên từ cấp xã, sau đó mới đưa lên huyện thẩm định và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thẩm định quyết định danh sách đối tượng cuối cùng. Như vậy, khâu vướng mắc ở đây chính là tại các địa phương cơ sở, do đến thời điểm hiện nay, chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách này,” Phó Cục trưởng Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Ngư dân tham gia thiết kế tàu

vỏ thép

Theo ông Lê Trung Thành, một trong những lý do khiến nguồn vốn cho vay theo Nghị định 67 chậm đến với ngư dân còn là do đến ngày 15/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới công bố 21 mẫu tàu vỏ thép, phù hợp cho 4 vùng biển với 5 loại nghề nên ngư dân không biết tàu vỏ thép đóng hết bao nhiêu tiền do đó chưa tham gia đăng ký vay vốn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, mặc dù, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố toàn bộ mẫu tàu vỏ thép hơn nửa tháng nay, nhưng tại các địa phương vẫn chưa nhận được văn bản hay bất cứ mẫu tàu nào. Do đó, ông Lĩnh cũng thành thật bày tỏ rất khó để trả lời cho câu hỏi về hiệu quả của Nghị định 67 đối với người dân.

Theo phản ánh của ngư dân Lê Văn Sang (Hải Châu, Đà Nẵng), thực tế những mẫu tàu vỏ thép bàn giao cho ngư dân thời gian qua cho thấy nhiều điểm cần khắc phục như thiết kế cabin quá cao gây cản gió, tạo độ rung lắc lớn; bố trí nắp khoang chứa không phù hợp với việc ngư dân vận chuyển sản phẩm ra vào… Do đó, người dân tỏ ra không mấy mặn mà với việc tham gia chương trình này.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng, những con tàu Hải Âu 01, Hoàng Anh 01, Sang Fish 01 đều là những con tàu khai thác hải sản vỏ thép đầu tiên trong cả nước, do Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thiết kế, đóng mới. Về mặt quy phạm các thiết kế của tổng công ty là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động khai thác thủy sản một số thiếu sót đã bộc lộ.

"Thực tế đây là những bài học kinh nghiệm rất quý báu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rút kinh kinh nghiệm ngay từ cách triển khai thực hiện, đến công tác đăng kiểm, công tác thẩm định lấy ý kiến ngư dân, tham khảo các mẫu tàu cá hiện đại. Chúng tôi cũng khẳng định 100% rằng 21 thiết kế mẫu lần này đã khắc phục được tất cả các nhược điểm mà các con tàu đầu tiên đã mắc phải," ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cho biết thêm, trước khi trình Bộ ký ban hành các mẫu thiết kế tàu vỏ thép, Hội đồng tư vấn kỹ thuật đã tổ chức hai chuyến công tác, mỗi chuyến đi bốn địa phương miền Bắc, miền Trung, khu vực Đông và Tây Nam Bộ để xin ý kiến ngư dân về các thiết kế mẫu. Sau khi xin ý kiến, Hội đồng tư vấn kỹ thuật đã tổng hợp, yêu cầu đơn vị tư vấn sửa đổi, bổ sung những điểm phù hợp. Trong quá trình xin ý kiến, ngư dân đã có những đóng góp rất chính xác về bố trí chung, về vị trí lắp đặt trang thiết bị, máy khai thác, hầm bảo quản phù hợp với từng nghề và điều kiện, thói quen làm việc của mình trên tàu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục