Trong khi trụ sở của các trạm y tế, bệnh viện cũ, xuống cấp không đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, phục vụ người dân, nhiều công trình xây dựng mới trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được đầu tư với số vốn lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng tiến độ thi công “ì ạch.” Nhiều dự án còn nằm trên giấy.
Nhiều công trình chậm tiến độ
Cuối tháng 9/2022, công trình Dự án cải tạo, xây dựng Bệnh viện An Bình giai đoạn 2 vẫn chỉ là một bãi đất trống.
Dù có vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 20.000m2 nhưng tại hiện trường, chỉ có khoảng hơn 10 công nhân cùng 2 chiếc máy cẩu và 1 máy xúc đang làm việc.
Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình, cho biết công trình khi hoàn thành sẽ thay thế một số khu khám, chữa bệnh đã xuống cấp trầm trọng của bệnh viện.
Khởi công từ tháng 11/2021 nhưng do một số nguyên nhân khách quan như dịch COVID-19 phức tạp nên đến tháng 2/2022, công trình mới bắt đầu thi công. Tuy nhiên, hiện việc thi công được tiến hành rất chậm; trong khi theo kế hoạch, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.
Tương tự, công trình xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi tại ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi là một trong ba công trình y tế trọng điểm của khu vực cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh.
Có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh trên tổng diện tích 60.000m2, công trình khởi công từ tháng 1/2021 và dự kiến sẽ hoàn thành trong 36 tháng.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ thi công của công trình này rất chậm.
[Thực tế tại các cơ sở y tế ở TP.HCM: Nỗi khổ của y tế cơ sở]
Hơn 3 năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trở nên ngổn ngang khi đơn vị xây mới 3 khối nhà: Khối nhà số 2 (Trung tâm chuyên sâu Tim mạch), Khối nhà số 4A (Khu khám bệnh và Khối ngoại khoa), Khối nhà số 5B (Trung tâm chuyên sâu Sơ sinh).
Khởi công từ năm 2019, dự kiến đến cuối năm 2021, cả 3 tòa nhà này sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, Trung tâm chuyên sâu tim mạch mới được khánh thành đưa vào sử dụng.
Hai khối nhà 4A và 5B vẫn đang dang dở, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh. Toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện được tiến hành trong những khu nhà tạm chật hẹp.
Ngay cả lối đi, khu vực chờ đợi của bệnh nhi và người nhà cũng chật chội, bí bách. Nhiều lần đưa con đi khám tại đây, chị Nguyễn Thị Lành (ngụ thành phố Thủ Đức) bức xúc: "Công trình thi công kéo dài khiến cho mỗi lần đưa con đi khám như cực hình, nóng nực, chật chội. Người lớn còn cảm thấy khó chịu đừng nói đến trẻ con đang bị bệnh."
Cùng với các công trình do nhà thầu thi công chậm chạp, đến nay, nhiều công trình y tế dù đã được chấp thuận chủ trương nhưng vẫn “nằm trên giấy” như Dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2), Dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn…
Thúc tiến độ giải ngân công trình y tế
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực y tế có 109 dự án được thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 23.327 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020 có 39 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; tiêu biểu như Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Đa khoa quận Gò Vấp, Bệnh viện Hùng Vương giai đoạn 2, Bệnh viện Tai mũi họng…
Đến năm 2022, một số dự án cũng được hoàn thành như: Dự án xây dựng Bệnh viện Truyền máu-Huyết học cơ sở 2, Dự án Khu điều trị tim mạch kỹ thuật cao Bệnh viện Nhi đồng 1, Dự án xây dựng Bệnh viện An Bình giai đoạn 1. Còn lại, đa số các dự án khác đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ các dự án xây dựng y tế, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến việc thi công của các đơn vị khó khăn và dẫn đến chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, biến động giá vật liệu xây dựng nên các nhà thầu thi công cầm chừng, chờ giá giảm. Qua thực tế kiểm tra, nhiều nhà thầu cho biết sẵn sàng đền hợp đồng chứ không thi công; bởi nếu tiếp tục làm có thể lỗ hàng chục tỷ đồng. Trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay, nhà thầu càng làm càng lỗ.
Ngoài ra, một số dự án do hết thời gian thực hiện, lại phải ngưng để chờ gia hạn kéo dài thời gian xây dựng.
Đơn cử như Dự án xây dựng mới Bệnh viện Răng hàm mặt (khối lượng giải ngân hiện vẫn là 0% do đang chờ Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương xin gia hạn dự án); hai công trình xây dựng của Bệnh viện Nhi đồng 1 (chỉ giải ngân được hơn 10% do vướng các gói trang thiết bị đấu thầu); Dự án Khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định (gặp khó khăn do có sự chênh lệch lớn về giá giữa thời điểm trúng thầu và hiện tại).
Trước tình hình tiến độ giải ngân các công trình có vốn đầu tư công chậm, nhất là các công trình xây dựng thuộc lĩnh vực y tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã giao các Tổ công tác chuyên đề (dự án vốn lớn, ODA, giải phóng mặt bằng) đánh giá, nhận diện những khó khăn, vướng mắc của từng nhóm, từng dự án; từ đó tập trung bám sát và có hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc; thường xuyên chủ động làm việc cụ thể từng nội dung với các đơn vị liên quan để đôn đốc thực hiện các dự án xây dựng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải chi tiết tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn được giao đến cuối năm, bám sát theo từng quy trình, thủ tục thực hiện của từng dự án, đảm bảo tiến độ giải quyết của từng cơ quan và chất lượng của từng nội dung; kiểm soát được những tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện để tránh bị động, ảnh hưởng chung đến toàn bộ tiến trình dự án./.