Thuế thương mại điện tử xuyên biên giới: Cạnh tranh không công bằng

Các nền tảng nước ngoài ước thu được 44 triệu USD doanh thu mỗi năm từ số lượng thuê bao đang tăng mạnh tại Việt Nam, tuy nhiên hiện tại, Netflix và Apple TV hiện không nộp thuế tại Việt Nam.
Biểu tượng Netflix. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Netflix. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã nộp thuế với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Các tập đoàn lớn như Google, Facebook, Microsoft... đã thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.

Đối với trường hợp của Netflix, ông Nguyễn Đức Huy cho biết, công ty này chưa thực hiện nộp thuế và họ cho rằng chưa có cơ sở thường trú tại Việt Nam để thực hiện kê khai, nộp thuế.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các tổ chức ở nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Ông Huy cho biết thêm, lãnh đạo Netflix cũng đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để triển khai các thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trước đó, ngày 10/11, phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Netflix và Apple TV hiện không nộp thuế tại Việt Nam.

Các nền tảng nước ngoài ước thu được 44 triệu USD doanh thu mỗi năm từ số lượng thuê bao đang tăng mạnh tại Việt Nam.

Một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế hoặc chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam và điều này đang tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.

[Mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới]

Phát ngôn viên của Netflix nói với hãng tin AFP rằng, công ty sẵn sàng tuân thủ luật pháp của Việt Nam và đang đàm phán với các cơ quan chức năng sở tại về vấn đề này.

Trong một thông báo, Netflix cho biết họ ủng hộ việc thực thi một cơ chế giúp các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix có thể nộp thuế tại Việt Nam, song hiện vẫn chưa có một cơ chế như vậy.

Ông Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh, để xác định được doanh thu của các tập đoàn công nghệ tại Việt Nam, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chi trả cho các tổ chức, cá nhân trong nước.

Tổng cục Thuế cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân có nguồn thu từ thương mại điện tử và mọi thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện kê khai và nộp thuế. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục sẽ có nhiều biện pháp thực hiện chống thất thu thuế.

Hiện nay, ngành thuế đang thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu như phối hợp với cơ quan công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định nhân thân người nộp thuế, thu thập dữ liệu của các ngân hàng thương mại, công ty vận chuyển trung gian, hàng hóa, các ví điện tử, đối chiếu xác minh và sẽ làm việc với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử nhằm hướng dẫn việc kê khai và nộp thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục