Sử dụng thuốc giảm đau aspirin hàng ngày được cho là giúp hạn chế nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư đường ruột.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố ngày 6/9 trên Tạp chí Royal Society Interface cho rằng điều này có nguy cơ khiến bệnh ung thư, nếu mắc phải, trở nên khó điều trị hơn.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy sử dụng aspirin với liều lượng cực nhỏ hàng ngày trong ít nhất năm năm có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư vào cuối đời. Theo đó, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt, vòm họng và phổi đều giảm đáng kể, đặc biệt tỷ lệ mắc ung thư đường ruột giảm đến 50%.
Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn cho thấy thuốc aspirin làm tăng khả năng tạo ra các tế bào kháng thuốc ở khối u, điều này khiến việc điều trị bệnh ung thư trở nên khó khăn.
[Mỹ lần đầu cấp phép ứng dụng công nghệ biến đổi gen trị ung thư]
Kết quả trên có được sau khi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California tại thành phố Irvine tiếp tục nghiên cứu xem liệu loại thuốc giảm đau này có gây ra những biến chứng nguy hiểm của ung thư hay không.
Các tác giả nghiên cứu cho biết thêm điều quan trọng hiện nay là cần đảm bảo thuốc aspirin trì hoãn sự khởi phát của ung thư kết trực tràng trong một thời gian đủ để tránh các tác động tiêu cực của loại thuốc này. Do đó, những người sử dụng aspirin, đặc biệt ở tuổi trung niên, được khuyến cáo thường xuyên khám sàng lọc ung thư.
Theo thống kê, khoảng 50% người trưởng thành tại Mỹ uống khoảng 80-325 milligram thuốc aspirin mỗi ngày để phòng bệnh tim mạch. Tại Anh, con số này là khoảng 40%./.