Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tháng trước ở Osaka, Nhật Bản, điều dư luận quan tâm chú ý là đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ tiến triển ra sao.
Cốt lõi nhất vẫn là việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đưa ra những nhượng bộ thực chất nào?
Trong cuộc chiến thương mại, rốt cuộc Trung Quốc giành chiến thắng, Mỹ buộc phải nhượng bộ hay, giống như tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, “Mỹ đã thắng lớn?”
Câu trả lời phụ thuộc vào lập trường chính trị và mục tiêu giả định mà các bên đưa ra. Nhưng dư luận phổ biến cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ không có người thắng cuộc.
Theo tờ Washington Post, Trung Quốc, tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei, các hãng bán lẻ, người tiêu dùng và Phố Wall là những người giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, còn phe thất bại là Nhà Trắng và phe cứng rắn trong Quốc hội Mỹ.
Căn cứ mà Washington Post sử dụng để chứng minh cho nhận định này là sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ không áp thuế trừng phạt đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, mà còn “phóng sinh” Huawei.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ cam kết mua một lượng lớn nông sản, năng lượng, sản phẩm công nghệ, tiếp tục các chương trình mua sắm, nhưng số lượng như thế nào thì chưa rõ.
Điều này cho thấy do phải chịu áp lực tranh cử để liên nhiệm, ông Trump có thể bắt đầu phải nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có bình luận cho rằng ông Trump “đọc thấu tim gan” của ông Tập, gọi ông Tập là “bạn,” miệng lưỡi thì tuyên bố cho phép các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei, để ông Tập “giữ thể diện” ở trong nước, sau đó kéo Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, che đậy chỉ trích cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 không mang lại điều gì.
Đây là nước cờ cao của ông Trump. Cộng thêm việc sau đó gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Khu phi quân sự (DMZ) tại Panmunjom, tiến hành hội đàm dài tới 50 phút, ông Trump đã hóa giải được thế bố trí chiến lược của ông Tập trong chuyến thăm Triều Tiên trước thềm Hội nghị G20.
Như vậy, cho dù là cuộc gặp Trump-Tập hay về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng đều nắm quyền chủ đạo. Cho nên, nếu nói ông Trump là người giành chiến thắng cũng không phải không có lý.
Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, theo tờ Tin tức Thế giới ngày 10/7, có 4 nhân tố chủ yếu sẽ quyết định thắng-bại giữa các bên. Thứ nhất là việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Huawei.
Đây là yêu cầu của ông Tập và ông Trump đã đáp ứng ngay lập tức. Nhưng sau đó Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Rossi đều chỉ rõ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chỉ giới hạn ở phạm vi các con chip cấp thấp, không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và hạn mức mỗi năm là dưới 1 tỷ USD, còn lại phải được Bộ Thương mại Mỹ thẩm định, cấp phép đối với từng hạng mục cụ thể.
Nói cách khác, Huawei vẫn chưa được đưa ra khỏi “danh sách đen”, việc Mỹ tiếp tục bán sản phẩm công nghệ cho Huawei hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Ngay cả việc dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, Mỹ cũng chưa có dấu hiệu từ bỏ, chẳng trách người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi công khai nói rằng ông “không dám vui vẻ” trước việc doanh nghiệp Mỹ được phép bán sản phẩm cho Huawei.
[Hồi tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ như thế nào?]
Thứ hai, Trung Quốc ngừng nhập khẩu đậu tượng Mỹ, giáng đòn nặng nề vào các cử tri trung thành với ông Trump.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 8,7 tỷ USD. Đậu tương chiếm 52% giá trị xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump giành chiến thắng ở 8 bang then chốt, trong đó bang Iowa và bang Ohio là nơi trồng nhiều đậu tương, ngô và tiểu mạch.
Nhiều nông dân trồng đậu tương ở những bang này đang phải đối mặt với tình trạng lỗ vốn, thậm chí là phá sản, công khai hối hận vì đã ủng hộ ông Trump.
Trong tương lai, việc Trung Quốc mua bao nhiêu đậu tương của Mỹ trở thành cái “thóp” Bắc Kinh nắm lấy, có thể ảnh hưởng tới khả năng liên nhiệm của ông Trump.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hoành nghiêm trọng ở Trung Quốc, làm hàng triệu con lợn chết, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.
Việc Trung Quốc có nhập khẩu thịt lợn của Mỹ hay không cũng có thể trở thành quân bài đàm phán với Mỹ. Khiến ông Trump căng thẳng chính là môi trường đàm phán mà Bắc Kinh muốn tạo ra.
Thứ ba, việc “phóng sinh” Huawei có phải là lời kết cho cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung? Không sử dụng thiết bị 5G của Huawei, kiềm chế chiến lược “Made in China 2025" (Chế tạo tại Trung Quốc 2025), điều tra các hoạt động gián điệp thương mại và chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia của Trung Quốc, hạn chế du học sinh Trung Quốc học những lĩnh vực nhạy cảm… đều liên quan tới chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, không thể vì việc “phóng sinh” Huawei mà rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột.”
Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng phải đối mặt với áp lực nội bộ vì mỗi năm, các doanh nghiệp công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc hàng chục tỷ USD hàng hóa.
Cho nên, các doanh nghiệp này đang ra sức thuyết phục chính quyền Trump nới lỏng biện pháp trừng phạt. Mặt khác, tiếng nói ủng hộ chủ trương cứng rắn với Trung Quốc từ hai đảng trong Quốc hội Mỹ không phải ít.
Các nghị sỹ đảng Cộng hòa như Marco Rubio, nghị sỹ đảng Dân chủ lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer hay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều phản đối sự “ân xá” đối với Huawei, cho rằng việc này sẽ dẫn tới hậu quả mang tính thảm họa.
Việc Quốc hội Mỹ trừng phạt một số doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc như Hikvision giờ cũng như “tên ở trên cung.”
Nếu Mỹ cố tình đối phó với Huawei và các doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc, các “ông lớn” của Mỹ như Boeing, Intel, Qualcomm hay Apple có thể sẽ trở thành đối tượng để Trung Quốc trả đũa.
Trong tương lai, khả năng Mỹ yêu cầu đưa người vào giám sát vận hành của Huawei như từng làm đối với tập đoàn công nghệ Trung Hưng (ZTE) không phải là không có, nhưng vì lý do an ninh cũng như sự tôn nghiêm của chủ nghĩa dân tộc và thể diện quốc gia, phía Trung Quốc không thể chấp nhận điều đó.
Ông Nhậm Chính Phi từng tuyên bố Huawei không chỉ đi đầu thế giới về công nghệ 5G, mà cả trong lĩnh vực truyền dẫn cáp quang… Huawei có thể tồn tại độc lập. Nếu ông Nhậm Chính Phi không nói quá, đây chính là một khảo nghiệm thực sự mà Mỹ phải đối mặt.
Thứ tư, cuộc chiến thuế quan rất khó kết thúc. Hôm 7/7 vừa qua, ông Trump tỏ ra rất đắc ý với việc “hàng nghìn doanh nghiệp chế tạo rời khỏi Trung Quốc” cho rằng Trung Quốc đang phải chịu áp lực lớn. Thực tế là việc ép doanh nghiệp chế tạo rời khỏi Trung Quốc cần mất nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm mới có thể thực hiện được, nhưng Trung Quốc có thể đã cảm nhận được áp lực của biện pháp thuế quan.
Ngày 4/7, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong yêu cầu Mỹ phải hủy bỏ toàn bộ biện pháp thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nếu không sẽ không có thỏa thuận thương mại nào hết, cho thấy Bắc Kinh rất lưu ý tới ảnh hưởng của biện pháp thuế quan.
Ngược lại, điều này lại khích lệ ông Trump tiếp tục sử dụng biện pháp thuế quan để ép Trung Quốc nhượng bộ, không đạt được mục đích sẽ không có nhiều khả năng dừng lại.
Trong khi đó, nếu đàm phán cứ bị kéo dài, va chạm giữa hai nước sẽ còn mở rộng sang các lĩnh vực mới như tài chính, tiền tệ.
Từ những điều nêu trên có thể dự đoán hiện còn quá sớm để kết luận ai là kẻ thắng, người bại trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Rốt cuộc, ông Trump là “tổng thống doanh nhân đầu cơ” coi lợi ích chính trị cá nhân lớn hơn là lợi ích quốc gia hay là “tổng thống chiến lược gia” không ngại “Chiến tranh Lạnh dưới chuẩn” để kiềm chế, thay đổi tiến trình trỗi dậy của Trung Quốc?
Cuối cùng phe cứng rắn hay phe ôn hòa sẽ chiếm thế thượng phong ở Nhà Trắng? Tất cả các nhân tố đó đều ảnh hưởng tới cục diện cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sẽ còn tốn nhiều giấy mực để phân tích./.