Thương hiệu quốc gia: Nâng tầm giá trị cho sản phẩm Việt

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành Quyết định công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.
Thương hiệu quốc gia: Nâng tầm giá trị cho sản phẩm Việt ảnh 1Đợt xét chọn năm nay Ban Tổ chức công bố 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Theo đại diện Bộ Công Thương, qua các đợt xét chọn, đã có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.

Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và là những doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.

Tạo chỗ đứng vững vàng cho sản phẩm chất lượng

Thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Việt Nam đang tham gia tích cực và sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu và trong tiến trình đó việc khẳng định vị thế của quốc gia trong nhận thức của cộng đồng quốc tế là một yêu cầu tất yếu, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, để thành công, chúng ta cần xây dựng những thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

[Bệ phóng tăng hạng sức cạnh tranh doanh nghiệp]

Lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ, Chương trình không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của Chương trình.

“Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp, nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường thông qua 3 tiêu chí “Chất lượng-Đổi mới, sáng tạo-Năng lực tiên phong.”

Thông qua các hoạt động quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp, Chương trình đã tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt và tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

Năm 2022 là năm thứ hai Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương và là năm đầu tiên triển khai Thông tư số 25/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương.

“Việc đổi mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn nghiêm ngặt của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, kết hợp cùng với những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng rằng Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong bối cảnh mới sẽ ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế,” đại diện Ban Tổ chức cho hay.

Năm 2022: Vinh danh 235 sản phẩm tiêu biểu

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập hóa toàn cầu, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thông tin, hầu hết các doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Những đóng góp của các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia vào nền kinh tế Việt Nam là vô cùng to lớn.

Theo Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Vương quốc Anh), Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022.

Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.

Đáng chú ý, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia lần thứ 8 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Thương hiệu quốc gia: Nâng tầm giá trị cho sản phẩm Việt ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ để thực hiện quy trình xét chọn, Ban Thư ký đã mời tổng số 39 chuyên gia trong danh sách Ban chuyên gia của Chương trình tham gia chấm hồ sơ (2 chuyên gia chấm 1 hồ sơ).

Ban thư ký đã thuê các đơn vị chuyên ngành có uy tín đánh giá các chỉ tiêu liên quan với mỗi hồ sơ, cụ thể: Công ty Cổ phần Mibrand (là đối tác và đại diện chính thức tại Việt Nam của Brand Finance - Công ty định giá thương hiệu toàn cầu có trụ sở tại Anh) thực hiện khảo sát khả năng nhận biết thương hiệu; Công ty KPMG đánh giá sức khỏe tài chính; Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) xếp hạng tín dụng.

Bên cạnh đó, Ban Thư ký đã gửi công văn xin ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành về chấp hành pháp luật chuyên ngành, cụ thể: Tổng Cục thuế, Tổng Cục Hải Quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 29/9/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1977/QĐ-BCT công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.

Có thể thấy, số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục tăng qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 124 doanh nghiệp năm 2020, đến năm nay số lượng đã tăng gần 6 lần và cũng là năm có số lượng tham gia đông đảo nhất sau gần 20 năm phát triển.

"Điều này khẳng định sự quan tâm thực sự của cộng đồng doanh nghiệp đối với Chương trình và tác động tích cực của Chương trình đối với tương lai phát triển của các doanh nghiệp," đại diện Cục Xúc tiến Thương mại nói./.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 2/11/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục