Thương mại Việt Nam-Ấn Độ còn nhiều tiềm năng để phát triển

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định Việt Nam và Ấn Độ còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy hết để phát triển kinh tế thương mại, đặc biệt các lĩnh vực nông, thủy sản.
Thương mại Việt Nam-Ấn Độ còn nhiều tiềm năng để phát triển ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương, Bộ Công Thương phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác “Partnership Summit 2021” lần thứ 27 từ ngày 13-15/12 qua hình thức trực tuyến.

Hội nghị thu hút sự tham dự của gần 200 diễn giả từ hơn 40 quốc gia cũng như 20 bộ trưởng nước ngoài, 7 bộ trưởng Ấn Độ, 25 giám đốc điều hành (CEO) và nhiều chuyên gia lãnh đạo từ các tổ chức trên thế giới.

Ngày 14/12, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với CII tổ chức phiên thảo luận và giao thương chuyên đề về Việt Nam với chủ đề “Cơ hội hợp tác kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ trong kỷ nguyên mới - hậu COVID-19.”

Diễn đàn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ và các doanh nhân Ấn Độ đang làm việc tại Việt Nam.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá về quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ và chỉ ra những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác giữa hai quốc gia. Đặc biệt, chương trình diễn ra trước thềm chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ. Điều đó càng chứng minh sự quan tâm của hai quốc gia trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ thương mại.

Ông Sanjay Budhia, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia CII phụ trách xuất nhập khẩu, chỉ ra 5 lĩnh vực hợp tác triển vọng của Việt Nam và Ấn Độ gồm: Thứ nhất, ưu tiên xây dựng chuỗi cung ứng kỹ thuật số để hội nhập khu vực sâu rộng hơn. Thứ hai, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng hậu cần, đa dạng chuỗi cung ứng, nâng tầm quan trọng của tuyến thương mại Việt Nam-Ấn Độ. Thứ ba, mở rộng hợp tác trong chăm sóc sức khỏe, dược phẩm. Thứ tư, khám phá các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng Mặt trời. Thứ năm là hợp tác trong công nghệ và số hóa, thanh toán kỹ thuật số. Ấn Độ có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tạo ra một hệ thống tích hợp với giao diện thống nhất mang lại lợi ích lớn, cho phép chuyển tiền liên tục xuyên biên giới.

Khuyến khích đổi mới trong thanh toán và cho phép các công ty công nghệ tài chính mở rộng kỹ năng và hoạt động. Ấn Độ có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống kỹ thuật số đáng tin cậy thông qua thương mại kỹ thuật số đầu cuối.

[Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ]

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong những năm gần đây. Ông nhận định Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ bởi quốc gia Đông Nam Á này có tình hình chính trị an ninh ổn định, lực lượng lao động trẻ với tay nghề cao, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động dễ đào tạo. Việt Nam là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư kinh doanh thế giới.

Bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mức 600 tỷ USD vào cuối tháng 10/2021. Hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp Việt Nam đang dần trở lại mức bình thường như trước khi có dịch.

Thương mại Việt Nam-Ấn Độ còn nhiều tiềm năng để phát triển ảnh 2(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tổng lãnh sự Madan Mohan Sethi phân tích những thế mạnh của Việt Nam bao gồm chế biến thực phẩm, các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, gạo, cà phê, cao su, trái cây. Bên cạnh đó, các công ty đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thống lĩnh các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, các sản phẩm phần cứng máy tính. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Ấn Độ trên toàn cầu và lớn thứ tư trong khu vực ASEAN. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gần 3 lần trong 10 năm qua từ mức 2,7 tỷ USD năm 2010 lên mức trên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, thương mại hai nước vẫn tăng gần 40% trong 10 tháng tính từ đầu năm 2021, đạt gần 11 tỷ USD. Kỳ vọng thương mại song phương sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm tới khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định Việt Nam và Ấn Độ còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy hết để phát triển kinh tế thương mại hơn nữa. Đặc biệt các lĩnh vực nông, thủy sản còn rất nhiều tiềm năng hợp tác mà Việt Nam và Ấn Độ có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam đang mong muốn chuyển sang tiếp xúc với các sản phẩm nông thủy sản bao gồm trái cây, thực phẩm tươi sống, trà, càphê, gia vị, ngũ cốc và các loại hạt, cá basa. Những sản phẩm này phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người Ấn Độ.

Đây có thể là đầu vào cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại nông thủy sản. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các thủ tục mở cửa thị trường, trước hết đối với các mặt hàng đã nộp hồ sơ kỹ thuật đàm phán nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục