Thượng viện Mỹ ngăn cản thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE

Ngày 25/6, một ủy ban của Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm tăng quyền hạn cho Quốc hội trong việc giám sát các thương vụ mua bán vũ khí của chính phủ,
Thượng viện Mỹ ngăn cản thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman về các loại vũ khí. (Ảnh: AP)

Ngày 25/6, một ủy ban của Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm tăng quyền hạn cho quốc hội giám sát các thương vụ trong việc mua bán vũ khí của chính phủ.

Đây được cho là phản ứng của các nghị sĩ Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump phê chuẩn thương vụ bán vũ khí trị giá 8 tỷ USD cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Cụ thể, Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ủng hộ đạo luật Trường hợp khẩn cấp Không có thật Saudi Arabia (SAFE), vài ngày sau khi toàn bộ thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua 22 nghị quyết riêng rẽ có nội dung phản đối các thương vụ bán vũ khí nêu trên.

Tuy nhiên, những nghị quyết này được cho là chưa đủ hiệu lực để vượt qua quyền phủ quyết mà Tổng thống Trump tuyên bố sẽ sử dụng để bảo vệ các thương vụ. Các thượng nghị sỹ Mỹ từng cam kết sẽ không bỏ qua vấn đề này, bác bỏ quan điểm của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE xuất phát từ những quan ngại về mối đe dọa liên quan đến Iran.

Các nghị sĩ lo ngại số vũ khí mà Mỹ bán cho 2 đồng minh Arab sẽ được sử dụng trong các chiến dịch quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen, gây thương vong cho dân thường.

[Ngoại trưởng Mỹ đến Saudi Arabia thảo luận về khủng hoảng Iran]

Đạo luật SAFE hạn chế việc sử dụng các điều khoản khẩn cấp trong luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí, vốn cho phép Nhà Trắng bán vũ khí cho các đồng minh mà không cần quốc hội phê chuẩn trong những "trường hợp khẩn cấp".

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez, một trong các nhà bảo trợ dự luật trên, khẳng định các "điều khoản khẩn cấp" sẽ chỉ được áp dụng cho những đối tác an ninh thân cận của Mỹ như các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Australia, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Các quyền hạn này cũng sẽ chỉ áp dụng với những loại vũ khí và dịch vụ quân sự ứng phó trực tiếp với một mối đe dọa hiện hữu và chỉ được sử dụng nếu hầu hết các khí tài có thể được chuyển giao trong vòng 2 tháng.

Trong khi đó, hầu hết những khí tài được chuyển tới Saudi Arabia và UAE phải mất tới vài tháng hoặc nhiều năm mới có thể chuyển giao hết. Hiện vẫn chưa rõ khi nào dự luật này được đưa ra bỏ phiếu toàn thể tại Thượng viện.

Cùng ngày, Hạ nghị sĩ Dân chủ Steny Hoyer, người được cho là có tầm ảnh hưởng thứ hai tại Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát, cũng khẳng định cơ quan này sẽ bỏ phiếu về những nghị quyết phản đối các thỏa thuận bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE khi bắt đầu làm việc trở lại vào ngày 9/7, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục