Thụy Sĩ đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan

Cơ quan quản lý người di cư Thụy Sĩ nêu rõ “sẽ không có trường hợp trục xuất mới nào được yêu cầu” và việc trục xuất “sẽ chỉ được xúc tiến trong trường hợp có các đối tượng phạm tội hình sự."
Thụy Sĩ đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan ảnh 1Các tay súng Taliban (giữa) tại Pul-e-Khumri, thủ phủ tỉnh Baghlan, cách thủ đô Kabul, Afghanistan, khoảng 200km về phía Bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thụy Sĩ vừa quyết định đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan với lý do tình hình an ninh ở quốc gia Tây Nam Á này đang ngày một xấu đi trong bối cảnh phiến quân Taliban đẩy mạnh các cuộc tấn công.

Trên mạng xã hội Twitter, Cơ quan quản lý người di cư cho biết đã đình chỉ việc hồi hương người di cư Afghanistan cho đến khi có thông báo mới.

Cơ quan này nêu rõ “sẽ không có trường hợp trục xuất mới nào được yêu cầu” và việc trục xuất “sẽ chỉ được xúc tiến trong trường hợp có các đối tượng phạm tội hình sự."

Trước đó, ngày 11/8, Đức và Hà Lan cũng đã quyết định đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan vì lý do tương tự.

[Afghanistan: Taliban chiếm Ghazni, tiến gần đến thủ đô Kabul]

Quyết định trên của Đức và Hà Lan đánh dấu một sự thay đổi lớn so với quan điểm cứng rắn trước đó.

Ngày 10/8, 6 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hà Lan và Áo, đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu yêu cầu tiếp tục trục xuất người di cư Afghanistan, dù Kabul đã kêu gọi các nước châu Âu tạm dừng động thái trên trong 3 tháng tới.

Trong thư, 6 nước trên kêu gọi Ủy ban châu Âu tham gia đối thoại tăng cường với các đối tác Afghanistan về tất cả vấn đề di cư khẩn cấp, trong đó có hợp tác nhanh chóng và hiệu quả việc hồi hương người di cư.

Lý do mà các nước này đưa ra là việc ngừng hồi hương sẽ phát đi một tín hiệu sai lầm và có thể thúc đẩy nhiều công dân Afghanistan rời bỏ nhà cửa để đến EU.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 12/8 tuyên bố nước này sẽ không hỗ trợ tài chính cho Afghanistan nếu phiến quân Taliban lên nắm quyền.

Ngoại trưởng Maas nêu rõ: "Chúng tôi cung cấp (cho Afghanistan) 430 triệu euro (505 triệu USD) mỗi năm, song sẽ không tiếp tục hỗ trợ tài chính cho nước này “nếu Taliban tiếp quản đất nước và áp đặt luật Hồi giáo Sharia.”

Xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng Taliban đã leo thang sau khi các binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan.

Các tay súng Taliban đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở nông thôn và mở chiến dịch tấn công vào các thành phố lớn, giành quyền kiểm soát nhiều thủ phủ của các tỉnh.

Trước tình hình an ninh ngày càng xuống dốc nghiêm trọng, Chính phủ Đan Mạch ngày 11/8 đã nhất trí sơ tán các nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên của Đại sứ quán Đan Mạch hoặc Lực lượng vũ trang Đan Mạch ở Afghanistan.

Theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, hồi tuần trước, 40 cựu nhân viên và nhân viên hiện tại của Đại sứ quán Đan Mạch ở Kabul cùng 4 người phiên dịch đã yêu cầu được giúp đỡ.

Trước đó, ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng ra thông cáo báo chí cho biết nước này khuyến khích công dân rời khỏi Afghanistan, đồng thời cũng không khuyến khích công dân đi du lịch tới quốc gia này.

Đan Mạch đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan sau khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố rút quân hồi tháng 4 vừa qua sau 20 năm can thiệp quân sự vào đất nước bị chiến tranh tàn phá này./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục