'Thuyền trưởng' VNG tiết lộ hành trình trở thành 'kỳ lân công nghệ'

Ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG cho rằng thành công chính là khả năng sống sót và kiên định với mục tiêu của mình vì thị trường công nghệ thay đổi liên tục.
'Thuyền trưởng' VNG tiết lộ hành trình trở thành 'kỳ lân công nghệ' ảnh 1Ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập VNG đã chia sẻ câu chuyện về sự thành công của tập đoàn này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Diễn đàn "Đổi mới sáng tạo vượt qua thách thức chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi" được tổ chức sáng 30/10 tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập tập đoàn VNG chia sẻ câu chuyện về sự thành công của startup tỷ USD này.

VNG bắt đầu thành lập vào năm 2004. Ở thời điểm hiện tại, VNG có 4 mảng kinh doanh thương mại cốt lõi: Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử và Dịch vụ Điện toán Đám mây. Công ty này cũng góp vốn đầu tư vào một số ít startup như Tiki, Got It, EcoTruck...

['Kỳ lân công nghệ' VNG đặt mục tiêu doanh thu 9.200 tỷ đồng năm 2023]

Năm 2014, công ty của Lê Hồng Minh được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và trở thành "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG được quỹ góp vốn đầu tư Temasek của cơ quan Chính phủ Singapore định giá 2,2 tỷ USD.

VNG “sống sót” như thế nào?

Nói về chặng đường doanh nghiệp của mình đã trải qua, ông Minh cho biết: "Mỗi mùa sinh nhật, chúng tôi đều nói với nhau rằng thật may mắn vì chúng ta đã sống sót thêm một năm nữa. Và vì thế, tôi nghĩ rằng thành công chính là khả năng sống sót và kiên định với mục tiêu của mình vì chúng ta đều biết là thị trường công nghệ thay đổi liên tục ra sao."

Theo ông Minh, bài học đầu tiên là luôn tìm kiếm các làn sóng công nghệ mới để bắt kịp và cố gắng khai thác.

"Khi tôi là chủ một quán PC năm 2003, chúng tôi nhận thấy tất cả các khách hàng trong quán đều chơi cùng 1 tựa game là MU Online. Năm 2004, tôi bắt đầu đầu thành lập công ty. Chúng tôi cảm thấy mình đã rất may mắn vì đó là những năm mà Internet trên PC bùng nổ. Rõ ràng việc theo kịp làn sóng công nghệ ngay khi nó mới bắt đầu là vô cùng quan trọng."

'Thuyền trưởng' VNG tiết lộ hành trình trở thành 'kỳ lân công nghệ' ảnh 2Theo ông Minh, bài học đầu tiên là luôn tìm kiếm các làn sóng công nghệ mới để bắt kịp và cố gắng khai thác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

May mắn thứ hai với ông Minh là làn sóng điện thoại di động. Khi Apple ra mắt iPhone năm 2008, giá 1 chiếc iPhone vẫn khá cao và khó tiếp cận với người dân Việt. Vài năm sau đó, gần như tất cả mọi người ở Việt Nam đều dùng điện thoại thông minh.

Nhận ra đây là làn sóng mới, năm 2012, VNG đã chuyển toàn bộ nguồn lực công ty sang phát triển các ứng dụng di động, bao gồm Zalo và các ứng dụng khác. 

Dù vẫn đạt được thành công với các sản phẩm PC (máy tính), VNG không còn đặt ra bất kì KPI (mục tiêu) nào cho các sản phẩm PC nữa. Tất cả mọi thứ đều xoay quanh điện thoại thông minh. Sự chuyển hướng này là kịp thời vì sau đó, mọi thứ liên quan đến PC đều giảm dần. 

Theo ông Lê Hồng Minh, hiện nay làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) rất rõ ràng. 

"Tôi nghĩ thử thách lớn nhất với chúng tôi hiện tại là không thể từ bỏ tất cả mọi thứ để chỉ làm AI, chúng tôi có rất nhiều di sản từ trước. Khi một công ty lớn dần lên và quy mô vận hành lớn hơn thì lại càng khó để làm như vậy. Nhưng đây rõ ràng là cơ hội cho các startup, họ có thể tiến vào làn sóng này và khởi nghiệp từ đầu," ông Minh chia sẻ.

Bài học thứ hai ông Minh muốn chia sẻ, đó là cách mà công ty mình đặt mục tiêu.

"Chúng tôi thường đặt những mục tiêu rất đơn giản, nếu phức tạp thì mọi người sẽ khó nhận ra đâu mới là điều quan trọng và làm thế nào để tập trung nguồn lực cho những việc đó. Là 1 công ty công nghệ, chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm thực sự có giá trị cho người dùng. Tôi thường hỏi đội ngũ điều hành công ty đâu là động lực phát triển?"

Tại thời điểm 2012, Việt Nam đang có 10 triệu người dùng Internet. VNG đã đặt ra mục tiêu để trở thành 1 công ty công nghệ thành công, chúng tôi phải có một lượng người dùng thật lớn. "Khi đó, chúng tôi đặt ra mục tiêu 1441. Nghĩa là đến năm 2014, VNG sẽ có 41 triệu người dùng."

Sau mục tiêu 1441, VNG tiếp tục đặt ra mục tiêu 2332 cách đây 5 năm. Nghĩa là đến năm 2023, VNG sẽ có 320 triệu người dùng - nhiều hơn dân số Việt Nam, có nghĩa là công ty phải đưa các sản phẩm ra nước ngoài. Hiện VNG có 150 triệu người dùng toàn cầu.

"Chúng tôi mới đi được nửa đường, sẽ còn một quãng đường rất dài. Tôi cảm thấy những thước đo đơn giản giúp chúng tôi tiếp tục thử thách bản thân," ông Lê Hồng Minh chia sẻ.  

Làm startup phải chấp nhận rủi ro

Cũng tại sự kiện, "thuyền trưởng" của VNG chia sẻ bài học thứ 3 là startup phải biết chấp nhận rủi ro. 

Ông Lê Hồng Minh nhận định, trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, chúng ta không thể có những kết quả tuyệt vời nếu không dám chấp nhận rủi ro. Và trong phần lớn những việc chúng ta làm, cần thật sự cân nhắc rủi ro là gì, liệu chúng ta có chấp nhận nó hay không. Chúng ta cần suy nghĩ mình sẽ làm gì với những điều khiến chúng ta sợ hãi.

Ông Minh đã chia sẻ một câu chuyện liên quan đến việc đối mặt với rủi ro của VNG. "Thời điểm chúng tôi ký hợp đồng để mang game đầu tiên về Việt Nam là Võ Lâm Truyền Kỳ. Giá trị hợp đồng thời điểm đó là 160 ngàn USD (năm 2004). Lúc đó vốn của VNG là khoảng 60 ngàn USD. Tôi đã thương lượng đúng một điều khoản, đó là khoản đặt cọc đầu tiên, thường là 50% giá trị hợp đồng (80 ngàn USD) xuống còn 50 ngàn USD."

'Thuyền trưởng' VNG tiết lộ hành trình trở thành 'kỳ lân công nghệ' ảnh 3Ông Lê Hồng Minh cho biết, làm startup phải biết chấp nhận rủi ro. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"Vâng, với công ty mới 1 tháng tuổi, chúng tôi đã ký một hợp đồng và còn lại đúng 10 ngàn USD trong ngân hàng. Lúc đó, tôi xác định mình phải chiến đấu để kiếm tiền, duy trì kinh doanh. Tất cả thành viên trong công ty đều rất sợ sự thất bại. Và tôi đã nói rằng, không sao, điều tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta mất tiền thôi phải không?," ông Minh kể lại. 

Giờ đây, khi được nhiều người hỏi về kế hoạch IPO trên thị trường quốc tế, ông Minh cho biết điều này sẽ đi cùng với những rủi ro đáng kể như nguy cơ thất bại, không thể đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Tuy nhiên, ông Minh vẫn nhấn mạnh đó là điều mà VNG tin tưởng. 

"Nếu chúng tôi không làm, sẽ không thể đưa công ty phát triển một cách thực sự. Hiện tại, chúng tôi đang đầu tư nguồn lực cho dự án AI và chúng tôi cũng gặp phải một số rủi ro, nhưng hy vọng rằng chúng tôi vẫn sẽ "sống sót," ông Minh cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục