Tiềm năng khổng lồ để phát triển trung tâm lưu trữ đám mây ở châu Phi

Mạng ozy.com nhận định khi châu Phi phát triển thịnh vượng hơn, nhu cầu dữ liệu của người tiêu dùng cũng ngày một tăng, triển vọng này đem đến “cơn sốt vàng” trong cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu.
Tiềm năng khổng lồ để phát triển trung tâm lưu trữ đám mây ở châu Phi ảnh 1Một hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trang mạng ozy.com nhận định rằng khi châu Phi phát triển thịnh vượng hơn, nhu cầu dữ liệu của người tiêu dùng cũng ngày một tăng, triển vọng này đem đến “cơn sốt vàng” trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu.

Các nhà đầu tư quốc tế đang hối hả tài trợ cho sự bùng nổ của thị trường điện toán đám mây châu Phi. Sự phổ biến của điện thoại thông minh và việc áp dụng hàng loạt phần mềm kinh doanh trên lục địa dẫn đến nhu cầu tăng cao của các trung tâm dữ liệu để thúc đẩy ngành công nghệ lưu trữ đám mây.

Theo dữ liệu từ Xalam Analytics, mặc dù chiếm khoảng 17% dân số thế giới, châu Phi hiện chiếm chưa đến 1% tổng công suất trung tâm dữ liệu toàn cầu hiện có. Tuy nhiên, công suất dữ liệu của châu Phi đã tăng gấp đôi trong ba năm qua.

Một trong số những nhà đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ dữ liệu tại châu Phi là công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại London, Anh với mức đầu tư 250 triệu USD vào các trung tâm dữ liệu châu Phi trong ba năm tới.

Actis nắm giữ cổ phần chi phối tại Rack Center (công ty hàng đầu của Nigeria phục vụ thị trường Tây Phi). Khoản đầu tư này sẽ giúp tăng gấp đôi công suất hiện nay ở mức 750KW của Rack Center và mở rộng sự hiện diện của Rack Center khắp Tây Phi, tạo ra một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất trên lục địa.

Giám đốc của Actis, Kabir Chal, cho rằng căn cứ vào các xu hướng dữ liệu, tiêu thụ dữ liệu, sự dịch chuyển đám mây điện toán trên toàn cầu, có thể thấy những xu hướng đó đã diễn ra ở nhiều thị trường và dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể của lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Châu Phi đang trong quá trình số hóa, sự dịch chuyển hướng đến lĩnh vực đám mây điện toán và rồi sẽ đến sự ra đời của dữ liệu lớn (Big Data), song hiện nay, việc cung cấp dữ liệu không theo kịp các xu hướng đó.

Trong khi các chính phủ và các công ty trước đây đã sử dụng các máy chủ dữ liệu nội bộ riêng có để lưu trữ và tính toán, nhu cầu ngày càng lớn - do số lượng người tham gia trực tuyến và giới kinh doanh dựa trên điện toán đám mây ngày một tăng, khiến các chủ thể này phải tìm đến các trung tâm dữ liệu bên ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra. Những cơ sở dữ liệu lớn này, trước đó từng thuộc trách nhiệm của các nhà khai thác viễn thông, giờ đây thường được điều hành bởi các công ty độc lập.

Động lực thúc đẩy quá trình nội địa hóa lưu trữ dữ liệu là khả năng cải thiện tốc độ kết nối, bởi vì người dùng không còn phải tìm nạp dữ liệu từ bên kia thế giới, trong khi Chính phủ cũng ban hành quy định bắt buộc dữ liệu cục bộ phải được lưu trữ trong nước.

[Thế giới liệu có đang ở trong cuộc chạy đua vũ trang về kỹ thuật số?]

Theo Uzoma Dozie, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng Kim cương Nigeria (Diamond Bank), đối với các công ty hoạt động ở châu Phi - đặc biệt là các ngân hàng và ngành dầu khí, việc quản lý dữ liệu riêng thông qua các phòng máy chủ và trung tâm dữ liệu đắt tiền đòi hỏi chi phí cao, trong khi vẫn phải đáp ứng nhu cầu kỹ thuật ngày càng tăng của lĩnh vực này, khiến việc đầu tư, phát triển trung tâm dữ liệu riêng không phải là một sách lược khôn ngoan và trở thành điều cấm kị.

Uzoma Dozie cho rằng an ninh mạng không thuộc khả năng chuyên môn của các ngân hàng và việc nâng cấp, phát triển liên tục các trung tâm dữ liệu rất tốn kém. Vì vậy, điều này làm nảy sinh những cơ hội kinh doanh lớn, khi ngày càng nhiều người bắt đầu sử dụng dịch vụ đám mây thay vì đầu tư máy chủ dữ liệu riêng.

Đối với các công ty lưu trữ dữ liệu hoạt động ở châu Phi, một trở ngại lớn là lục địa này thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết, điều này làm phức tạp thêm lĩnh vực kinh doanh này vốn đã yêu cầu lớn về nguồn tài chính và điện năng tiêu thụ.

Các công ty thường phải dựa vào các máy phát điện quy mô lớn chạy bằng diesel và xăng vốn rất đắt đỏ để cung cấp điện. Trong khi tốc độ Internet chậm, chi phí dữ liệu cao và thiếu mạng cáp quang - cộng với chi phí vốn tăng ở các quốc gia nơi các nhà đầu tư coi là có rủi ro lớn, tất cả những điều này hạn chế hoạt động của các nhà đầu tư.

Tunde Coker, Giám đốc điều hành của Rack Centre (trung tâm kết nối với hơn 30 nhà khai thác viễn thông trên toàn Tây Phi, bao gồm Orange, MTN và Airtel), cho rằng về cơ bản, công ty Rack Centre phải xây dựng khả năng tự cung cấp năng lượng nhằm đạt được mức độ tin cậy và nhất quán. Chính điều này đòi hỏi chi phí lớn về tài chính.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Xalam Analytics, đầu tư của Actis là một phần trong xu hướng rộng lớn hơn của những nhà đầu tư quốc tế lớn muốn tham gia vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi - nơi có tổng công suất trung tâm dữ liệu bằng khoảng một phần tư của London, Anh hoặc một nửa của Frankfurt, Đức.

Năm 2019, công ty cổ phần tư nhân Berkshire Partners có trụ sở tại Boston, Mỹ đã mua cổ phần của Teraco Data Environments, công ty sở hữu trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Phi và cung cấp năng lượng điều hành phần lớn điện toán đám mây ở Nam Phi. Công ty Berkshire Partners sẽ sử dụng Teraco Data Environments để tăng gấp đôi công suất từ 30 MW lên 60 MW trong một vài năm tới.

Năm 2019, Microsoft cũng đã khai trương các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây châu Phi đầu tiên tại Nam Phi - thị trường tăng trưởng quan trọng cùng với Nigeria, Kenya và Ghana, và chiếm khoảng một nửa công suất trung tâm dữ liệu của châu Phi. Trong khi đó, Amazon Web Services có kế hoạch mở một cụm các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây ở Cape Town, Nam Phi trong những tháng tới, bước đột phá đầu tiên của công ty này trên lục địa.

Cả Microsoft và Amazon Web Services sẽ dựa vào các công ty độc lập như Rack Centre và Africa Data Centers - công ty con của Liquid Telecom, Nam Phi, đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất 25 MW hiện nay trong năm 2021.

Đối với người tiêu dùng, sự phát triển của các trung tâm dữ liệu châu Phi sẽ giúp tăng tốc độ Internet đang thuộc loại thấp nhất và tốn kém nhất trên toàn cầu. Điều này sẽ cho phép người dùng các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix truy cập các chương trình yêu thích một cách nhanh hơn và các game thủ trực tuyến có thể hưởng thụ trò chơi mà không bị cản trở bởi độ trễ kết nối.

Một lợi ích chính là các công ty độc lập so với các trung tâm thuộc sở hữu của các công ty viễn thông như Orange hay MTN, là có thể cung cấp cho khách hàng rất nhiều tùy chọn kết nối.

Stephane Duproz, Giám đốc điều hành của Africa Data Centers, cho rằng các câu chuyện thành công lớn trên thế giới đều cho thấy cần phải có trung tâm dữ liệu trung lập với rất nhiều nhà cung cấp kết nối khác nhau. Để có thể khẳng định bản thân, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây cần đa dạng hóa kết nối. Trung tâm dữ liệu viễn thông sẽ không bao giờ triển khai trung tâm lưu trữ đám mây lớn.

Thế giới đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đang sở hữu lượng dữ liệu lớn. Tuy nhiên, Stephane Duproz, Giám đốc điều hành của Africa Data Centers đánh giá rằng Trung Quốc chưa đầu tư lớn vào các trung tâm dữ liệu ở châu Phi. Tuy nhiên, Giám đốc Duproz cho rằng Trung Quốc chắc chắn đang cân nhắc về lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục