Tiền Giang quan tâm quy hoạch vùng sản xuất để nâng chất lượng gạo

Tỉnh Tiền Giang có 186 hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 500 doanh nghiệp kinh doanh, xay xát, chế biến lúa gạo xuất khẩu nếu gắn kết nhau sẽ tạo vùng nguyên liệu rộng lớn.
Tiền Giang quan tâm quy hoạch vùng sản xuất để nâng chất lượng gạo ảnh 1Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tỉnh Tiền Giang có khoảng 70.000ha đất canh tác mỗi năm 2-3 vụ, sản lượng trên 1,1 triệu tấn lúa/năm.

Đây là nguồn nông sản hàng hóa quan trọng phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân, đưa nông nghiệp và nông thôn đi lên, đóng góp vào sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Gạo, trái cây đặc sản, thủy sản chế biến là những mặt hàng nông sản xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Chỉ riêng về gạo, mỗi năm, các doanh nghiệp tại Tiền Giang xuất khẩu khoảng 200.000 tấn, thu về hàng trăm triệu USD.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, tình hình xuất khẩu gạo rất khả quan. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh xuất khẩu được khoảng 107.000 tấn, kim ngạch đạt 64 triệu USD, tăng 2,2 lần về lượng và tăng 2,7 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của tỉnh, chiếm 35,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh; kế tiếp là Philippines và một số thị trường khác.

Để nâng cao chất lượng gạo, tỉnh quan tâm quy hoạch vùng gắn với liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Điển hình vùng ngọt hóa Gò Công có lợi thế về xây dựng vùng trồng lúa thơm mà chủ lực là giống lúa VD 20 nổi tiếng. Các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh phát triển các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 4900, Nàng Hoa 9… Đây được coi là 2 vựa lúa hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu lớn nhất của tỉnh.

Bên cạnh đó, Tiền Giang đã được Cục Sở hữu Trí tuệ thẩm định và cấp phép thương hiệu “Gạo Gò Công” với phạm vi địa lý sở hữu gồm 4 huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công. Đó là một trong những nền tảng thuận lợi phát huy thế mạnh vùng lúa chất lượng cao xuất khẩu của địa phương.

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết thực hiện Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định về Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong giai đoạn 2020-2023, tỉnh triển khai 21 dự án/kế hoạch liên kết tiêu thụ nông sản, chủ yếu trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu với 21 hợp tác xã nông nghiệp, 22 doanh nghiệp và hàng ngàn nông dân các vùng trọng điểm lúa tham gia.

[Giá lúa, gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng nhẹ]

Tiền Giang cũng đã triển khai Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025. Qua dự án, trước mắt, đã có gần 400ha lúa được chứng nhận đạt VietGAP, GlobalGAP.

Nhằm phát triển sản phẩm gạo VD 20-đặc sản Gò Công xuất khẩu, Tiền Giang triển khai Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo VD 20-đặc sản Gò Công (giai đoạn 2021-2025) với sự tham gia của Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK Châu Minh Hải cho biết Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo VD 20 - đặc sản Gò Công (giai đoạn 2021-2025) triển khai giúp doanh nghiệp mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa với nông dân vùng chuyên canh xuất khẩu, đưa thương hiệu gạo VD 20 thăng hoa.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK đã liên kết với nông dân các huyện phía Đông như Gò Công Đông, Gò Công Tây xây dựng vùng lúa nguyên liệu chế biến xuất khẩu trên 2.000 ha/năm; trong đó khoảng 50% trồng giống VD 20-đặc sản Gò Công theo hướng hữu cơ, chất lượng cao đạt chuẩn xuất sang châu Âu và bao tiêu với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo VD 20-đặc sản Gò Công đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao.

Tiền Giang quan tâm quy hoạch vùng sản xuất để nâng chất lượng gạo ảnh 2Thu hoạch lúa. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Là người tiên phong trồng lúa hữu cơ, ông Cao Hồng Tiết (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) canh tác 2 ha giống VD 20 đặc sản. Ông cho biết trong sản xuất áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm," chỉ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hữu cơ hoặc chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn cho sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường. Hiện, cánh đồng hàng trăm ha ở xã Đồng Thạnh đã chuyển hẳn sang trồng lúa VD 20 hữu cơ xuất khẩu.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây Mai Đức Tấn cho biết Gò Công Tây quan tâm khuyến nông chuyển đổi sang trồng giống lúa chất lượng cao tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu. Giống chủ lực là giống VD 20 đặc sản, hướng bà con áp dụng kỹ thuật canh tác theo “3 giảm, 3 tăng," “1 phải, 5 giảm," sản xuất theo quy trình trồng lúa hữu cơ đảm bảo an toàn cho sức khỏe, an toàn cho môi trường kết hợp mô hình công nghệ sinh thái phòng chống dịch hại.

Hàng năm, Gò Công Tây có từ 3.000-3.500ha đất canh tác được các doanh nghiệp, cơ sở xay xát như Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK, Doanh nghiệp Hai Thanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinh Hiển, Doanh nghiệp Hoàng Thiện... liên kết bao tiêu, nông dân an tâm sản xuất.

Ngoài ra, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Trinh liên kết với Công ty Lương thực Tiền Giang, Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phước Lộc Thiên Hộ, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông) liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xuân Hương xây dựng thương hiệu gạo an toàn…

Hầu như các doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn đều quan tâm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cho mình nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra của hạt gạo xuất khẩu.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết tỉnh có 186 hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 500 doanh nghiệp kinh doanh, xay xát, chế biến lúa gạo xuất khẩu nếu gắn kết nhau sẽ tạo vùng nguyên liệu rộng lớn.

Đây là tiềm lực, là cơ hội mà Tiền Giang đang tận dụng lợi thế phát triển mạnh mẽ và bền vững ngành hàng xuất khẩu lúa gạo với những bước đi phù hợp, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Qua đó, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho nông hộ và đổi mới diện mạo nông nghiệp-nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục