Chuyên gia Việt Nam: Argentina gặp lỗi kỹ thuật trong xử lý nợ công

Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn: Argentina gặp lỗi kỹ thuật trong xử lý nợ công

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, việc Argentina bị cho là đang ngấp nghé bên bờ vực vỡ nợ chỉ thuần túy được xác định là do sai sót kỹ thuật.
Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn: Argentina gặp lỗi kỹ thuật trong xử lý nợ công ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Argentina bị cho là đang ngấp nghé bên bờ vực vỡ nợ sau khi không đạt được thỏa thuận thanh toán nợ với một nhóm các chủ nợ Mỹ hồi cuối tháng Bảy.

Vụ việc diễn ra 13 năm sau khi Buenos Aires tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài và có thể đánh dấu một giai đoạn suy giảm kinh tế của quốc gia lớn thứ ba Mỹ Latinh.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn xung quanh vụ việc này.

- Xin ông cho biết nguyên nhân nào khiến cho Argentina lâm vào tình trạng không kiểm soát được nợ công như hiện nay?

Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn: Theo tôi, nếu như nói rằng Argentina đang lâm vào tình trạng không kiểm soát được nợ công là không đúng. Năm 2001, do việc kiểm soát kém và không trả được nợ công, Argentina đã tuyên bố phá sản, và đó là lần duy nhất quốc gia này lâm vào tình trạng vỡ nợ. Vụ việc hiện nay của quốc gia này chỉ thuần túy được xác định là do sai sót kỹ thuật, khi mà Argentina tiến hành dàn xếp vụ vỡ nợ lần trước bằng thỏa thuận nhưng đã thiếu một điều khoản quan trọng trong hợp đồng.

Đó là điều khoản “hành động tập thể,” theo định nghĩa đây là điều khoản quy định nếu đa số những người tham gia trong hợp đồng chấp nhận những thỏa thuận dàn xếp tái cấu trúc lại nợ thì thiểu số còn lại buộc phải tuân theo không điều kiện. Việc thiếu quy định này đã dẫn tới tình trạng hiện tại của Argentina.

Nhìn vào cấu trúc khoản nợ của Argentina có thể thấy rằng, nước này có một khoản nợ 120 tỷ USD đã được các chủ nợ đồng ý tái cấu trúc. Các quỹ này đã đồng ý với phương án xóa bỏ 70% các khoản nợ, với 30% còn lại đồng ý giảm lãi đồng thời chỉ nhận lãi thanh toán trong đợt này và kéo dài thời hạn thanh toán nợ gốc.

Trong khi đó, có bảy chủ nợ, bao gồm hai quỹ đầu cơ của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management với khoản nợ 1,5 tỷ USD (cả tiền gốc và lãi) và khoản nợ 15 tỷ USD của năm quỹ đầu cơ còn lại đã đến hạn thanh toán, không đồng ý với phương án trên. Argentina sẽ phải tiến hành thanh toán cho các quỹ này đúng thời điểm đáo hạn trái phiếu. Việc này đã được xác định từ năm 2010.

Argentina đã không tiến hành bất kỳ một cuộc đối thoại nào với nhóm bảy quỹ đầu cơ này.

Điều này dẫn đến việc đàm phán vừa qua thất bại và hai quỹ đầu tư nợ xấu đã kiện Argentina ra Tòa án tại New York và Tòa án đã chiểu theo các thủ tục pháp lý để ra phán quyết như vậy.

Do vậy, số tiền 539 triệu USD của Argentina hiện đang gửi trong ngân hàng Mellon tại New York, chưa thể tiến hành quyết toán được mà phải giữ lại để giải quyết các tranh chấp, dẫn đến tình trạng các quỹ đầu tư khác không nhận được tiền thanh toán từ Argentina theo đúng hạn định. Theo định nghĩa thị trường, đây được gọi là vỡ nợ.

- Theo phán quyết của thẩm phán tòa án liên bang Mỹ tại New York, ông Thomas Griesa về việc phong tỏa 539 triệu USD mà Argentina định dùng để trả nợ đã vấp phải sự phản đối của chính quốc gia này và hơn 100 chuyên gia kinh tế trên thế giới. Ông nhận xét như thế nào về phán quyết này?

Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn: Theo tôi phán quyết này không sai. Tòa án đã làm việc theo đúng trình tự pháp lý. Tất nhiên, Argentina phản đối là đúng, vì họ cũng có những lý do riêng. Trong hợp đồng tái cấu trúc nợ của Argentina trước đây do IMF tổ chức, sau cuộc vỡ nợ năm 2001, có một điều khoản quy định Argentina không được quyền tự nguyện đưa ra bất kỳ lời mời chào tốt hơn nào cho các chủ nợ riêng lẻ. Quốc gia này phải thực hiện việc trả nợ cho các quỹ đầu cơ khác nhau với các cơ chế như nhau.

Việc này khiến Argentina lo sợ, vì nếu họ tiến hành trả nợ cho hai quỹ đầu tư Mỹ hiện đang khởi kiện, họ sẽ vi phạm điều khoản này. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải trả cả 15 tỷ USD cho toàn bộ năm chủ nợ còn lại đứng ngoài vụ kiện. Ngoài ra, ngay cả các chủ nợ trong gói 120 tỷ USD đã đồng ý phương án tái cơ cấu nợ cũng có thể quay trở lại kiện Argentina. Argentina sẽ trắng tay, do quốc gia này chỉ có 29 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, số tiền này thì sẽ không đủ. Đây là rắc rối chính của vụ việc lần này.

Mặt khác, cách thức ứng xử của Argentina cũng có vấn đề. Sau khi gặp lỗi kỹ thuật, Argentina không hề có bất kỳ động thái nào trong việc nêu ra các yêu cầu đàm phán với các chủ nợ Mỹ. Cuối cùng, hai bên có vẻ như hơi căng thẳng với nhau về ngôn từ dẫn đến tình trạng vướng mắc không cần thiết.

- Sau tất cả những rắc rối vừa qua, theo cá nhân ông, việc Argentina quyết định kiện Washington ra tòa án quốc tế có mang lại kết quả gì hay không?

Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn: Tôi nghĩ vụ kiện này sẽ không mang lại một kết quả gì rõ rệt. Nhìn nhận từ vụ việc này, tôi cho rằng tất cả những thông tin mà chúng ta có được cho thấy, vấn đề đã phát sinh từ năm 2010, sau khi các khoản nợ đã được tái cấu trúc.

Lẽ ra khi Argentina đã biết là bảy quỹ đầu tư không đồng ý tham gia tái cơ cấu nợ, như vậy có nghĩa là rủi ro vẫn nằm trong hợp đồng, thì nước này phải tổ chức các cuộc đối thoại để giải quyết và dàn xếp. Nhưng các bên cho vay đã không nhận được bất kỳ lời mời nói chuyện nào từ phía quốc gia châu Mỹ Latinh.

Việc Argentina cứ khăng khăng cho rằng họ đã hoàn thành trách nhiệm với các chủ nợ cũng là lý do khiến đàm phán thất bại và thẩm phán Thomas Grieasa đã lựa chọn đưa ra phán quyết trên. Nếu Argentina tiếp tục không ngừng tuyên bố rằng quốc gia này đã hoàn thành trách nhiệm và không có lý do gì để dính dáng đến các rắc rối này là không đúng. Đây thực chất chỉ là vấn đề pháp lý, nếu tiếp tục đưa ra các tranh luận có thể sẽ dẫn tới các tranh chấp liên quan tới chính trị. Nếu để tình trạng đó xảy ra sẽ là một điều đáng tiếc.

- Về mặt dài hạn, ảnh hưởng của vấn đề tranh chấp xoay quanh việc giải quyết nợ công của Argentina sẽ mang tới những khó khăn gì cho nền kinh tế của quốc gia này, kinh tế khu vực và thế giới có chịu ảnh hưởng gì từ vụ việc này không thưa ông?

Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn: Về dài hạn, nếu vấn đề tranh chấp này tiếp tục xảy ra, sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của Argentina. Đối với một quốc gia gặp tình trạng không kiểm soát được nợ công với nước ngoài sẽ có 3 vấn đề xảy ra, đó là GDP giảm, đồng tiền mất giá và lạm phát tăng cao.

Argentina đang có mức tăng trưởng kinh tế thấp, ở mức -0.2%. Hiện tại, quốc gia này lại có những rắc rối phát sinh mà nếu không giải quyết một cách ổn thỏa sẽ khiến lòng tin của các nhà đầu tư giảm sút. Trong tương lai, Agentina sẽ khó khăn hơn trong việc vay nợ nước ngoài. Theo quan điểm của tôi, vụ việc lần này của Argentina sẽ không gây ra hậu quả đáng kể đối với kinh tế khu vực Mỹ Latinh và thế giới nói chung. Mỹ Latinh hiện là khu vực đang phát triển, số lượng các quốc gia trong khu vực không lớn. Argentina chỉ chiếm 1% GDP toàn cầu.


- Thưa ông, thẩm phán Thomas Griesa đã đưa ra yêu cầu phía Argentina phải khẩn trương nối lại một cuộc đàm phán thứ hai với các chủ nợ nước ngoài ở Mỹ. Ông đánh giá như thế nào về khả năng thành công của vòng đàm phán tiếp theo này?

Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn: Tôi nghĩ là nếu Argentina chịu ngồi lại đàm phán với một thái độ thiện chí thì vấn đề sẽ hoàn toàn giải quyết được. Điều này phụ thuộc một phần vào việc, Argentina có chấp nhận hợp tác đàm phán hay không và cách thức nói chuyện, nhìn nhận của quốc gia này như thế nào.

Một số thông tin gần đây nhất cho biết các ngân hàng quốc tế gồm Citigroup, Deutsche Bank, HSBC và JP Morgan đã ra lời đề nghị mua lại số trái phiếu của Argentina trị giá gần 1,66 tỷ USD (tính gộp cả lãi suất) mà các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ hiện đang nắm giữ với giá tương đương 50% giá trị số trái phiếu trên, cao hơn mức 40% đưa ra trước đó. Nếu điều này được thực hiện, Argentina sẽ tránh được vấn đề kỹ thuật này.


- Vậy câu chuyện về nợ công tại Argentina sẽ mang lại bài học gì cho các quốc gia đang còn gặp nhiều khó khăn và sở hữu những khoản vay nước ngoài khổng lồ?


Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn:
Bản thân Việt Nam cũng đang phải thảo luận về vấn đề này. Về thực chất, Argentina nợ không nhiều. Mức nợ nguy hiểm được quy định là ở mức 100% GDP. Tuy nhiên, điều này không hẳn là đúng trong thực tế. Khi Argentina tuyên bố vỡ nợ, mức nợ cũng chỉ ở ngưỡng 59% GDP. Điều quan trọng ở đây là tốc độ nợ và cách dùng nợ như thế nào mới là quan trọng. Argentina có tốc độ nợ tăng nhanh, trong khi cơ sở để trả nợ kém, nền kinh tế không tăng trưởng tốt và xuất khẩu giảm sút. Đây là một nguy cơ rất lớn.

Bài học ở đây là phải quản lý được những khoản nợ đi vay, tránh thất thoát. Cách thức Argentina đi vay nợ có thể coi khá là bừa bãi và cẩu thả.

Các chính quyền ở các bang của Argentina được quyền phát hành trái phiếu quốc tế ra thị trường nước ngoài để vay tiền sau đó ghi vào nợ công quốc gia. Tham nhũng và không quản lý chặt các khoản tiền vay đã khiến Argentina không kiểm soát được các khoản nợ. Nợ công tăng lên, nguồn trả nợ thì yếu đi, khiến Argentina không đủ cơ sở trả nợ nước ngoài Đây là bài học lớn mà các quốc gia cần phải rút kinh nghiệm.

Một điểm cần phải lưu ý nữa chính từ trường hợp Argentina, đó là khi đã ở vào những tình thế phức tạp, các quốc gia cần phải giữ một thái độ cầu thị và hợp tác. Bên cạnh đó, vấn đề hợp đồng dàn xếp nợ cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Vụ việc lần này của Argentina thuần túy chỉ là do thiếu điều khoản “hành động tập thể” dẫn đến không đồng nhất ý kiến giữa các chủ nợ và các quỹ đầu cơ có cơ hội khởi kiện Argentina./.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục