Tiếp cận kênh phân phối nước ngoài: Manh mún, nhỏ lẻ sẽ khó hiệu quả

Không chỉ đảm bảo về mẫu mã, bao bì mà chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp phải được kiểm soát theo quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế mới có thể chen chân hiệu quả vào kênh phân phối nước ngoài.
Tiếp cận kênh phân phối nước ngoài: Manh mún, nhỏ lẻ sẽ khó hiệu quả ảnh 1Các hoạt động Xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp kết nối mở rộng bạn hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Không chỉ đảm bảo về mẫu mã, bao bì mà chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp phải được kiểm soát theo quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế mới có thể chen chân hiệu quả vào kênh phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo tập huấn "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài" do Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội.

[Qua 4 tháng, đã có 16 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD]

Thiếu doanh nghiệp lớn

Từ nhiều năm nay xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi.

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, hiện Việt Nam vẫn thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài.

Theo bà, phần nhiều các doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ do vậy năng lực còn hạn chế. Bên cạnh đó sự nhận thức của một số doanh nghiệp về việc tiếp thị hàng hóa vào mạng lưới phân phối nước ngoài cũng chưa bài bản, chủ yếu là mang bán những gì ta có, chứ chưa quan tâm bán những thứ thị trường cần.

Hơn nữa, nhiều công việc như marketing, giới thiệu hàng hóa cho người mua hàng... vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ, chính vì vậy những cuộc giao thương, giới thiệu quảng bá chưa đạt được kết quả cao.

"Tiếp cận hệ thống nước ngoài không dễ nên phía doanh nghiệp cần phải chuẩn bị hàng hóa tốt nhất nhằm đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài," bà Mai Anh lưu ý.

Trong khi đó, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), kể từ khi bắt đầu xây dựng Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương đã mở nhiều chương trình tập huấn và các chương trình Xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp ngoại.

Đại diện Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt được các quy định của nước xuất khẩu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa, trong đó là cách đóng gói bao bì và hơn nữa là chất lượng hàng xuất khẩu.

"Doanh nghiệp sẽ phải cam kết đầu tư từ khâu sản xuất đến thị trường, đảm bảo hàng hóa phù hơp với nhu cầu nhà nhập khẩu," ông Linh nói.

Tiếp cận kênh phân phối nước ngoài: Manh mún, nhỏ lẻ sẽ khó hiệu quả ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Doanh nghiệp cần được đào tạo bài bản

Chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp Việt Nam có thể xâm nhập vào các hệ thống siêu thị nước ngoài, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu cho biết, khi làm kinh tế thì sự tin cậy lẫn nhau giữa bên bán và bên mua rất quan trọng.

Theo ông, bản thân tập đoàn Aeon cũng mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ngày càng nhiều người Nhật quan tâm đến các sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam và đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

"Năm 2016 tập đoàn đã xuất khẩu 200 triệu USD hàng Việt Nam sang Nhật và bản thân Aeon cũng mong muốn năm nay tăng kim ngạch này lên và cặn hợp tác của các doanh nghiệp," ông Shiotani Yuichiro nói.

Ngày 2/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã có hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác. Tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài theo từng năm của những nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh (như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ...)

Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam...

Nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của Đề án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống phân phối nước ngoài được coi là phương thức bền vững, hữu hiệu mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam theo đuổi. Đặc biệt, khi các nhà đầu tư phân phối bán lẻ Việt Nam được tiếp xúc với các doanh nghiệp toàn cầu.

Tại hội nghị các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc đến phương thức xuất khẩu hàng hóa qua con đường hệ thống phân phối nước ngoài, đây là phương thức hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ chỉ đạo trên, ông Hải cho rằng, để triển khai hiệu quả chương trình trên cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp phân phối và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Khẳng định vai trò quyết định thành công chính là doanh nghiệp. Ông Hải nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản, lâu dài, có quyết tâm đầu tư vào hệ thống sản xuất, phân phối.

Bên cạnh đó, để thành công thì chất lượng của sản phẩm và việc đáp ứng các quy định của thị trường là hết sức quan trọng, điều này cần sự quyết tâm của doanh nghiệp./.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nói về việc kết nối vào kênh phân phối nước ngoài
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục