Tiếp tục kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán

Phản ứng trước hàng loạt động thái cứng rắn của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood ngày 15/4 cho rằng việc Triều Tiên trục xuất các chuyên gia giám sát hạt nhân là "một bước thụt lùi" và Mỹ rất lấy làm tiếc về việc này.

Phản ứng trước hàng loạt động thái cứng rắn của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood ngày 15/4 cho rằng việc Triều Tiên trục xuất các chuyên gia giám sát hạt nhân là "một bước thụt lùi" và Mỹ rất lấy làm tiếc về việc này.

Ông cho biết Washington sẽ thảo luận với các nước tham gia đàm phán sáu bên khác về các hành động tiếp theo đối với Triều Tiên trên tinh thần đạt được một mục tiêu dài hạn về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho biết Mỹ và các nước tham gia đàm phán sáu bên "rất mong muốn" Triều Tiên trở lại bàn đàm phán cũng như tiếp tục thực hiện các thỏa thuận về giải giáp chương trình hạt nhân của nước này.

Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cùng ngày cho rằng các cuộc đàm phán sáu bên nên là "định hướng nguyên tắc" cho các nước trong việc ứng xử với Triều Tiên. Các bên cần thực hiện nhiều phương thức khác nhau trong khuôn khổ đàm phán, kể cả các cuộc đối thoại trực tiếp. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại Tokyo ngày 16/4 để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, bao gồm cả các cách thức nối lại đàm phán sáu bên.

Trong khi đó, Nga vẫn giữ lập trường kiên quyết phản đối áp đặt trừng phạt Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin cho rằng không cần thảo luận các biện pháp trừng phạt bổ sung, mà nên bàn cách nối lại đàm phán sáu bên. Theo ông, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân và điều đó đã được khẳng định trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vụ phóng của Triều Tiên.

Theo nhận định của giới phân tích, Trung Quốc muốn Mỹ đảm nhận vai trò trực tiếp hơn trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Chuyên gia John Feffer thuộc Viện Nghiên cứu chính sách ở Washington cho rằng cách tốt nhất để đưa Bình Nhưỡng trở lại đàm phán là thông qua kênh ngoại giao kín đáo và trực tiếp giữa Mỹ và Tiều Tiên.

Cùng ngày, Mỹ và Nhật Bản đã trình Ủy ban trừng phạt của Liên hợp quốc danh sách các công ty của Triều Tiên có liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo một số nguồn tin ngoại giao, tại cuộc họp kín đầu tiên của ủy ban trên, Mỹ đã trình danh sách gồm 11 công ty của Triều Tiên, trong khi danh sách của Nhật Bản gồm 15 công ty. Hiện Ủy ban đang xem xét hai danh sách trên.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban trừng phạt của Liên hợp quốc nhóm họp kể từ khi Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1718 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên do nước này tiến hành thử tên lửa và hạt nhân trong năm 2006.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm xuất nhập khẩu các mặt hàng của Triều Tiên có sử dụng "công nghệ nhạy cảm", được liệt kê trong danh sách của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân và Chương trình kiểm soát công nghệ tên lửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục