Tiết lộ lớn nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc

Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên trước Quốc hội về sức mạnh quân sự của Trung Quốc với 6 điểm đáng chú ý trong lĩnh vực hạt nhân, phát triển tên lửa, hải quân, máy bay ném bom.
Tiết lộ lớn nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc ảnh 1Tàu do thám lớp Đông Điệu của Hải quân Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei Asian Review/ TTXVN)

Theo The Diplomat, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 16/8 đã công bố báo cáo thường niên trước Quốc hội về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Điều đáng lưu ý là báo cáo năm nay được đưa ra muộn hơn so với trước đây, thường vào tháng 4 hoặc tháng 5.

Trang mạng tạp chí The Diplomat đã đăng tải bài viết trong đó nhấn mạnh những vấn đề đáng quan tâm rút ra từ đánh giá ban đầu tài liệu này.

Thứ nhất, Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) lại được trao sứ mệnh hạt nhân. Đây có thể là tiết lộ lớn nhất trong báo cáo năm nay, trong đó khẳng định rằng PLAAF đã được “tái phân công một nhiệm vụ hạt nhân.”

Vào khoảng cuối những năm 1970 hoặc đầu những năm 1980, PLAAF đã được dỡ bỏ sứ mệnh hạt nhân này, khiến Lực lượng Tên lửa của PLA khi ấy là Quân đoàn Pháo binh II là lực lượng duy nhất nắm giữ sứ mệnh này mà nòng cốt ban đầu là hệ thống tên lửa đạn đạo đất đối đất.

Ngày nay, không chỉ PLAAF được trao lại sứ mệnh này vốn giúp tăng cường năng lực tấn công hạt nhân từ trên không cho Trung Quốc, mà cả Hải quân PLA (PLAN) tiếp tục điều hành hạm đội gồm 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Type 094.

Theo tác giả, điều này đồng nghĩa với việc năm 2018 đánh dấu việc Trung Quốc trở thành một cường quốc bộ ba hạt nhân.

Thứ hai, các phương tiện phóng hạt nhân của Không quân PLA vẫn mập mờ. Mặc dù đề cập rõ về sứ mệnh hạt nhân của Không quân PLA nhưng báo cáo 2018 này lại không đề cập cụ thể các hệ thống hạt nhân nào đang được PLAAF triển khai trong bộ ba hạt nhân này.

Một người đọc thạo tin sẽ có thể kết luận rằng các máy bay ném bom của không quân Trung Quốc hiện đã có thể phóng được tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhiều khả năng là tên lửa CJ-20. Thế nhưng, kết luận này vẫn là mơ hồ.

[Mỹ nhận định gì về tham vọng quân sự của Trung Quốc?]

Báo cáo này, lần đầu tiên ngoài 2 đánh giá công khai của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, đã thu hút sự chú ý (của giới quan sát) đối với tên lửa đạn đạo được phóng từ máy bay ném bom của không quân Trung Quốc.

Thứ ba, về năng lực phát triển tên lửa của Trung Quốc, báo cáo nói rằng Trung Quốc có thể phát triển phiên bản mới của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 ở dạng được phóng từ hầm hoặc phóng từ đường ray di động. Ngoài ra, Bắc Kinh tiếp tục tăng cường các nỗ lực phòng thủ tên lửa đạn đạo tự chế, trong đó có các tên lửa đánh chặn trong và ngoài khí quyển.

Thứ tư, sáng kiến “Vành đai và Con đường” có phạm vi liên quan quân sự. Tiết lộ này không phải là điều quá ngạc nhiên, song nó lại đáng chú ý khi thấy rằng một tài liệu chính thức của chính phủ Mỹ lại phân tích các khía cạnh của sáng kiến này một cách cởi mở và thẳng thắn.

Báo cáo có đoạn: “Một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào ‘Vành đai và Con đường’ có thể tạo ra những lợi thế quân sự tiềm tàng cho Trung Quốc, nếu Trung Quốc yêu cầu quyền tiếp cận một số hải cảng nước ngoài được lựa chọn để xác định các hoạt động hỗ trợ hậu cần cần thiết nhằm duy trì các hoạt động triển khai hải quân ở các vùng biển xa như Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, nhằm bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng của mình.”

Thứ năm, các hoạt động của máy bay ném bom Trung Quốc hướng gần chuỗi đảo thứ hai. Lần đầu tiên, báo cáo này đưa ra một minh họa bảng biểu cho thấy sự mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay ném bom của lực lượng Không quân và Hải quân PLA ở Tây Thái Bình Dương.

Ví dụ, máy bay ném bom của PLA lần đầu tiên bay vượt qua chuỗi đảo thứ nhất là tháng 9/2013. Đến năm 2017, cả không quân và hải quân PLA đã tiến hành hơn 10 hoạt động bay vượt chuỗi đảo thứ nhất, và thậm chí vòng quanh Đài Loan nhiều lần.

Theo tác giả, những hàm ý của hoạt động tiến lại gần chuỗi đảo thứ hai này là đáng chú ý khi liên hệ với sự khẳng định mới về sứ mệnh hạt nhân của Không quân PLA.

Thứ sáu, tình trạng Hiệp ước hữu hảo hỗ trợ Trung-Triều được ký năm 1961 là “không rõ ràng.” Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp trong năm 2018 nhưng không cuộc gặp nào trong số đó liên quan hiệp ước này, trong đó điều 2 của tài liệu này quy định về việc cung cấp hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau.

Liên hệ đến tài liệu này, lần đầu tiên báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận rằng “mong muốn của Trung Quốc can thiệp vào Triều Tiên để bảo vệ Kim Jong-un là không rõ ràng.”

Kết luận này đặc biệt đáng chú ý khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi năm 2017 bình luận rằng Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc hội đàm cấp cao về việc lập ra kế hoạch đối phó với sự kiện bất ngờ trong trường hợp xảy ra kịch bản xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, còn có rất nhiều vấn đề có thể rút ra từ báo cáo này, như các thông tin về tái cơ cấu PLA, những diễn biến trên Biển Đông, cán cân sức mạnh quân sự ở Eo biển Đài Loan và điểm nóng Doklam.

Tuy nhiên, báo cáo này chưa đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về việc Trung Quốc theo đuổi phát triển các thiết bị bay siêu âm được gắn trên tên lửa đạn đạo, như loại tên lửa tầm trung DF-17.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục