Tiểu hành tinh khổng lồ bay qua Trái Đất ở cự ly gần nhất 2 triệu km

Tiểu hành tinh này đã tiếp cận Trái Đất ở cự ly gần nhất vào lúc 14 giờ ngày 21/3 theo giờ GMT (21 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam), di chuyển với vận tốc khoảng 124.000 km/h.
Tiểu hành tinh khổng lồ bay qua Trái Đất ở cự ly gần nhất 2 triệu km ảnh 1(Nguồn: space.com)

Ngày 21/3, tiểu hành tinh 2001 FO32 đã bay ngang qua Trái Đất ở cự ly gần nhất 2 triệu km. Đây là tiểu hành tinh lớn nhất tiếp cận Trái Đất năm nay. Không có nguy cơ tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất và các nhà thiên văn học có thể tận dụng cơ hội hiếm hoi này để nghiên cứu tiểu hành tinh hình thành từ thuở sơ khai của hệ Mặt Trời này.

Theo Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), cự ly 2 triệu km tương đương gấp hơn 5 lần khoảng cách từ Mặt Trăng tới Trái Đất song đủ gần để các nhà khoa học đánh giá 2001 FO32 là "tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm."

Tiểu hành tinh này đã tiếp cận Trái Đất ở cự ly gần nhất vào lúc 14 giờ ngày 21/3 theo giờ GMT (21 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam), di chuyển với vận tốc khoảng 124.000 km/h - nhanh hơn tốc độ thông thường mà hầu hết các tiểu hành tinh tiếp cận Trái Đất.

Được phát hiện cách đây 20 năm, tiểu hành tinh 2001 FO32 có đường kính ước tính 900m. Các nhà thiên văn hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về thành phần của tiểu hành tinh này qua việc nghiên cứu ánh sáng Mặt Trời phản chiếu từ bề mặt của nó.

[NASA công bố hình ảnh thu thập mẫu vật trên hành tinh Bennu]

Bằng cách nghiên cứu quang phổ ánh sáng phản chiếu từ bề mặt của tiểu hành tinh, các nhà thiên văn học có thể xác định được các đặc tính hóa học của các khoáng chất trên bề mặt của tiểu hành tinh.

NASA đã theo dõi và lập danh mục các vật thể tương tự có thể va chạm với Trái Đất gây ra thảm họa hủy diệt tương tự sự kiện cách đây 66 triệu năm, khi một tiểu hành tinh va vào Trái Đất đã xóa sổ 75% sự sống trên "Hành tinh xanh."

Việc nghiên cứu các tiểu hành tinh và sao chổi bay gần Trái Đất giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về lịch sử của hệ Mặt Trời. Chương trình này cũng cung cấp một cơ sở dữ liệu có giá trị về các mối đe dọa tiềm ẩn - khi một thiên thạch va chạm vào Trái Đất có thể phá hủy toàn bộ hành tinh.

Theo NASA, ước tính mỗi ngày có khoảng 80 đến 100 tấn vật chất như bụi và các thiên thạch nhỏ rơi xuống Trái Đất song không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, các vật thể lớn có sức tàn phá lớn hơn vì lực va chạm mạnh do chúng di chuyển với tốc độ cao.

Năm 2013, hơn 1.000 người đã bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại khi một khối thiên thạch từ vũ trụ lao xuống và nổ tung trên bầu trời vùng Chelyabinsk của Nga.

Theo ước tính của NASA, thiên thạch này có đường kính 17m, nặng 7.700-10.000 tấn, giải phóng năng lượng tương đương 500 kiloton thuốc nổ TNT, tương đương sức công phá của 20-25 quả bom nguyên tử mà máy bay Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Các chuyên gia ước tính những sự kiện như vậy diễn ra 1 hoặc 2 lần/thế kỷ.

NASA cho biết hơn 95% tiểu hành tinh tiếp cận gần Trái Đất có kích thước tương tự tiểu hành inh FO32 hồi năm 2001 hay thậm chí lớn hơn đã được đưa vào danh sách trên, song không có tiểu hành tinh nào trong số đó gây ảnh hưởng đến Trái Đất trong thế kỷ tới.

Cơ quan này hiện đang nghiên cứu những cách thức ngăn chặn tác động của một tiểu hành tinh hoặc sao chổi, bao gồm sử dụng tàu vũ trụ va chạm với vật thể khiến nó đổi hướng và thậm chí thực hiện các vụ nổ hạt nhân như một giải pháp cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục