Tiêu thụ thép khả quan

Tiêu thụ thép khả quan, lượng tồn kho giảm mạnh

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép, nhờ đẩy mạnh khơi thông thị trường, mở rộng xuất khẩu nên đến thời điểm này lượng thép tồn kho đã giảm mạnh, xuống còn 280.000 tấn. 
Lượng thép tồn kho đã giảm từ trên 450.000 tấn trong năm ngoái xuống còn 280.000 tấn. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, với một loạt giải pháp như tiết giảm công suất, đẩy mạnh xuất khẩu thì lượng thép tồn kho trong quý đầu năm đã trở lại mức bình thường.

- Xin ông cho biết những nét nổi bật của ngành thép trong quý I/2013?

Ông Phạm Chí Cường: Quý  1/2013, kết quả tiêu thụ thép không thuận lợi do nghỉ tết kéo dài tới 10 ngày trong tháng. Riêng tháng Một cũng bị ảnh hưởng do chuẩn bị tết nên nhìn vào số lượng tiêu thụ trong quý chỉ được duy nhất tháng Ba mà thôi.

Theo ước tính của Hiệp hội, lượng thép tiêu thụ trong tháng Ba đạt 400.000 tấn, tính chung cả quý 1/2013 thì sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1 triệu tấn, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2012.

Còn về tồn kho cũng được các nhà máy điều chỉnh nên hiện cũng không ngại lắm, quanh quẩn 300.000 tấn (mức cao nhất trong năm ngoái lên trên 450.000 tấn), còn phôi thép để chuẩn bị cho sản xuất thì vẫn duy trì ở mức 450.000 tấn và đủ để cung cấp cho thị trường trong quý 2.

Gần đây, nhiều thông tin nói tồn kho của ngành thép nhiều và đáng lo ngại, nhưng theo tôi với mức 280.000 tấn như hiện nay thì đó là bình thường, ít hơn nhiều so với các tháng trước.

Việc tiêu thụ đang tốt nên đã giúp cho sản xuất trở lại bình thường, công nhân đã quay trở lại làm việc, những nhà máy trước đây sản xuất “đì đẹt” thì nay cũng quay trở lại hoạt động bình thường.

- Có thông tin cho rằng, sản xuất phôi thép hiện nay đang dư thừa do đầu tư tràn lan, vậy ở góc độ Hiệp hội, ông bình luận vấn đề trên thế nào?

Ông Phạm Chí Cường: Việc dư thừa phôi thép là do tiêu thụ những tháng trước đây chậm, nhưng với nhiều giải pháp, đặc biệt là khơi thông thị trường, mở rộng xuất khẩu thì đến thời điểm này lượng tồn kho đã giảm mạnh. Theo ghi nhận của Hiệp hội thì các doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép hiện khá thuận lợi.

- Vấn đề chống bán phá giá đối với ngành thép và các giải pháp để hạn chế những vụ kiện này được Hiệp hội và các doanh nghiệp chuẩn bị như thế nào?

Ông Phạm Chí Cường: Cuối năm ngoái, ngành thép cũng đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá và hiện còn lo ngại sẽ có những vụ kiện ở các nước Đông Nam Á về xuất khẩu tôn, ống thép của Việt Nam do sản lượng tiêu thụ tốt. Do vậy trong thời gian qua, Hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên đã chuẩn bị nhiều thông tin để tiếp cận và giải thích cho các đối tác.

Đặc biệt phía Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thông qua đại diện thương mại ở các nước cũng vào cuộc rất tích cực để tiếp cận với những công ty nhập khẩu ở các nước trên để gây áp lực lại các đơn vị sản xuất mà họ khởi kiện Việt Nam.

Hiệp hội cũng chủ động mời các đối tác sang để giải trình và gửi thư phản hồi các thông tin cần thiết mà họ còn thắc mắc, nhằm giảm thiểu những yếu tố có thể gây bất lợi cho việc xuất khẩu tôn và ống thép của Việt Nam.

Theo cảm nhận của tôi, hiện vấn đề chống bán phá giá thép "đang yên" nhưng việc yên trước cơn bão hay không thì chưa biết.

- Từ trước đến nay chúng ta vẫn chủ yếu lo đối phó với các vụ bị kiện chống bán phá giá, trong khi việc phòng vệ đối với các sản phẩm cùng loại trong nước vẫn còn hạn chế. Vậy theo ông, đối với ngành hàng của mình việc phòng vệ được chuẩn bị thế nào rồi?

Ông Phạm Chí Cường: Hiện nay, trên thị trường nhiều sản phẩm thép cuộn Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhưng được cho thêm nguyên tố BO vào để trở thành thép hợp kim, thực chất đây là hành vi “lách luật” để được nhận mức thuế bằng 0 và điều này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, do đó ảnh hưởng lớn đến giá thép trong nước.

Theo tôi được biết, liên bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hiện đang hoàn chỉnh các qui chế về chất lượng thép, nhãn mác...

Các qui chế đó cũng khá tỉ mỉ và hiện đang được dự thảo và lấy ý kiến của doanh nghiệp sau đó mới có thể ban hành, để sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam phải cạnh tranh lành mạnh.

- Ngân hàng nhà nước vừa điều chỉnh lãi suất, vấn đề này được doanh nghiệp ngành thép đón nhận như thế nào?

Ông Phạm Chí Cường: Mặc dù việc điều chỉnh mới có hiệu lực trong ngày 26/3, từ mức 12% xuống 11%, nhưng có thể thấy đây là tín hiệu rất tích cực.

Tôi nghĩ lãi suất cho vay vốn lưu động ở quanh mức 10% thì doanh nghiệp thép có nhiều cơ hội để phát triển, doanh nghiệp trong ngành có thêm một nguồn vốn để trả tiền điện, than, trả lương công nhân, mua nguyên vật liệu...

Tuy nhiên, có một điều mà các doanh nghiệp thép vẫn vướng, cụ thể là trong bối cảnh đầu ra chậm, các công ty thương mại đứng ra thu mua các sản phẩm thép của nhà máy vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Đơn cử, nếu như trước đây Ngân hàng cho vay định mức đi buôn bán khá dễ. Một công ty thương mại có thể vay 1 tỷ nhưng giờ hạn mức giảm xuống chỉ còn vài trăm triệu mà thôi.

Theo tôi, lý do là việc một số thông tin đề cập hàng tồn kho của thép thời gian qua lớn, chính điều này cũng ảnh hưởng về mặt tâm lý, rằng ngân hàng cho ngành thép vay có thể dẫn đến rủi ro, nên việc tiếp cận cũng không dễ dàng.

- Ông dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ thép những tháng tới thế nào?

Ông Phạm Chí Cường: Hiện đang là mùa xây dựng nên chắc chắn tiêu thụ những tháng tiếp theo sẽ tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông./.


Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục