Những năm gần đây, trong môi trường cạnh tranh du lịch toàn cầu, điểm đến nào mang lại sự trải nghiệm mới lạ và đa dạng chắc chắn sẽ được du khách thích thú quan tâm.
Cũng nhìn nhận đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nếu Việt Nam muốn trở thành điểm đến hấp dẫn trên thị trường quốc tế, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Sự khác biệt từ sản phẩm du lịch của điểm đến tạo nên giá trị quan trọng trong việc lôi cuốn và thu hút khách du lịch.”
“Bởi, du khách luôn muốn được tìm hiểu những sản phẩm mới lạ và khác biệt so với những thứ đã quá quen thuộc ở quê hương hay những điểm đến đã trải nghiệm. Do đó, nơi nào có nhiều sản phẩm khác lạ, nơi đó sẽ thành công trên thị trường,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Lối đi cho sản phẩm du lịch Việt
Do giá trị văn hóa, lịch sử là yếu tố có tính chất đặc thù và khác biệt có khả năng khai thác bền vững, cũng như có khả năng tạo hình ảnh tốt cho điểm đến nên thực tế, hai yếu tố đó luôn là điểm mạnh của sản phẩm du lịch Việt Nam và các ấn phẩm quảng bá cũng như các tour chào bán của doanh nghiệp lữ hành trong nước chủ yếu đang nhấn vào thế mạnh này.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận: “Từ thực tiễn phát triển du lịch thời gian qua cho thấy, hạn chế lớn nhất của sản phẩm du lịch Việt Nam là tính đơn điệu, thiếu đa dạng, chất lượng thấp, thiếu sự phát triển theo vùng hoặc theo sản phẩm đặc thù địa phương và ít được biết đến trên thị trường quốc tế.”
Nguyên nhân được đưa ra phân tích là do du lịch Việt Nam vẫn chưa có chiến lược đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch rõ ràng, còn lúng túng và chưa thực sự quan tâm tới phát triển sản phẩm du lịch cũng như chưa biết cách biến những lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Vì trên thị trường du lịch quốc tế, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm du lịch mới đóng vai trò quyết định trong cạnh tranh chứ không phải lợi thế so sánh.
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm du lịch Việt Nam, hấp dẫn du khách? Ông Tuấn cho rằng: “Điều quan trọng là phải xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên nhu cầu và sở thích của du khách, có tính khác biệt nổi trội và hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao cũng như các sản phẩm được tiếp thị, xúc tiến chào bán như thế nào để chiếm được trái tim của khách du lịch tiềm năng.”
Cũng đồng quan điểm với ông Tuấn, Giám đốc khoa học chương trình Master chuyên ngành quản trị y tế của trường ESCP Europe (Paris) và là giảng viên mời của CFVG (Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh) Frédéric Jallat cho rằng: “Cần chắc chắn những tiêu chí, nhu cầu của khách hàng phải được nhấn mạnh trong chiến dịch quảng bá du lịch của các bạn.”
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường tại các khu, điểm du lịch nhằm đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến bền vững cả về kinh tế, xã hội, sinh thái, môi trường.
Đi tìm điểm đến hấp dẫn
Ngành du lịch không chỉ đứng một mình mà còn liên quan tới rất nhiều lĩnh vực phụ trợ khác như giao thông, lưu trú, hoạt động kinh doanh, giải trí, bảo hiểm... hay các mục đích khác gắn với du lịch từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương.
Địa phương nào xây dựng cho mình được sản phẩm khác biệt sẽ thắng trên thị trường cạnh tranh. “Ví dụ như Paris là thành phố chuyên để tổ chức hội thảo chuyên đề, hội thảo hội nghị của rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới,” ông Frédéric Jallat nói.
Đánh giá về sản phẩm du lịch ở Việt Nam, ông Jallat cũng đưa ra gợi ý: “Ngoài du lịch biển, du lịch văn hóa (đặc biệt phát triển ở ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ) và một số hình thức mới như du lịch sinh thái hay du lịch thể thao cũng đang trên đà phát triển ở Việt Nam. Một ví dụ minh chứng là mới đây Tạp chí du lịch Lonely Planet đã xếp thành phố Sapa của các bạn vào Top 10 điểm đi bộ hấp dẫn nhất trên thế giới.”
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương cũng đồng tình với ý kiến của ông Jallat với quan điểm: “Vùng núi phía Bắc có nhiều điểm du lịch thú vị, hấp dẫn khách quốc tế là văn hóa bản địa, Sapa nổi lên nhờ đã khai thác được điểm này.”
Ngày nay, du lịch hoang sơ và thực sự có bản sắc, ít bị biến đổi từ cuộc sống xô bồ sẽ rất thu hút du khách. Nhưng kèm theo đó là vấn đề du lịch có trách nhiệm, trách nhiệm ở đây đứng về góc độ người quản lý, tức là cần biết khai thác đến mức độ nào, hỗ trợ cho những người chủ của tài nguyên đến đâu để cùng nhau giữ gìn. Cũng cần chuẩn bị tinh thần cho khách đến những điểm nhạy cảm ấy thế nào để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến tài nguyên...
Tuy nhiên, ông Lương cũng bày tỏ quan ngại về kiểu làm ngày càng bị thương mại hóa như của Sapa sẽ dẫn đến một thảm họa không chỉ đối với du lịch mà còn đối với cả nền văn hóa bản địa. Đặc biệt là hình ảnh của những cô gái người dân tộc cũng hút thuốc, đánh bài hay cặp kè với du khách nước ngoài… đã tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm với khách du lịch.
Thực tế đó dẫn đến những méo mó cho văn hóa bản địa, là những thứ mà du khách muốn tìm đến để thụ hưởng.
“Do đó, nếu không có chiến lược du lịch cho từng vùng miền, cho từng sản phẩm gắn liền với việc bảo tồn, tôi nhấn mạnh việc bảo tồn thì chúng ta sẽ rất nhanh chóng thôi tự hủy hoại những giá trị quý giá đang có,” ông Lương nói./.
Cũng nhìn nhận đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nếu Việt Nam muốn trở thành điểm đến hấp dẫn trên thị trường quốc tế, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Sự khác biệt từ sản phẩm du lịch của điểm đến tạo nên giá trị quan trọng trong việc lôi cuốn và thu hút khách du lịch.”
“Bởi, du khách luôn muốn được tìm hiểu những sản phẩm mới lạ và khác biệt so với những thứ đã quá quen thuộc ở quê hương hay những điểm đến đã trải nghiệm. Do đó, nơi nào có nhiều sản phẩm khác lạ, nơi đó sẽ thành công trên thị trường,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Lối đi cho sản phẩm du lịch Việt
Do giá trị văn hóa, lịch sử là yếu tố có tính chất đặc thù và khác biệt có khả năng khai thác bền vững, cũng như có khả năng tạo hình ảnh tốt cho điểm đến nên thực tế, hai yếu tố đó luôn là điểm mạnh của sản phẩm du lịch Việt Nam và các ấn phẩm quảng bá cũng như các tour chào bán của doanh nghiệp lữ hành trong nước chủ yếu đang nhấn vào thế mạnh này.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận: “Từ thực tiễn phát triển du lịch thời gian qua cho thấy, hạn chế lớn nhất của sản phẩm du lịch Việt Nam là tính đơn điệu, thiếu đa dạng, chất lượng thấp, thiếu sự phát triển theo vùng hoặc theo sản phẩm đặc thù địa phương và ít được biết đến trên thị trường quốc tế.”
Nguyên nhân được đưa ra phân tích là do du lịch Việt Nam vẫn chưa có chiến lược đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch rõ ràng, còn lúng túng và chưa thực sự quan tâm tới phát triển sản phẩm du lịch cũng như chưa biết cách biến những lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Vì trên thị trường du lịch quốc tế, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm du lịch mới đóng vai trò quyết định trong cạnh tranh chứ không phải lợi thế so sánh.
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm du lịch Việt Nam, hấp dẫn du khách? Ông Tuấn cho rằng: “Điều quan trọng là phải xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên nhu cầu và sở thích của du khách, có tính khác biệt nổi trội và hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao cũng như các sản phẩm được tiếp thị, xúc tiến chào bán như thế nào để chiếm được trái tim của khách du lịch tiềm năng.”
Cũng đồng quan điểm với ông Tuấn, Giám đốc khoa học chương trình Master chuyên ngành quản trị y tế của trường ESCP Europe (Paris) và là giảng viên mời của CFVG (Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh) Frédéric Jallat cho rằng: “Cần chắc chắn những tiêu chí, nhu cầu của khách hàng phải được nhấn mạnh trong chiến dịch quảng bá du lịch của các bạn.”
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường tại các khu, điểm du lịch nhằm đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến bền vững cả về kinh tế, xã hội, sinh thái, môi trường.
Đi tìm điểm đến hấp dẫn
Ngành du lịch không chỉ đứng một mình mà còn liên quan tới rất nhiều lĩnh vực phụ trợ khác như giao thông, lưu trú, hoạt động kinh doanh, giải trí, bảo hiểm... hay các mục đích khác gắn với du lịch từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương.
Địa phương nào xây dựng cho mình được sản phẩm khác biệt sẽ thắng trên thị trường cạnh tranh. “Ví dụ như Paris là thành phố chuyên để tổ chức hội thảo chuyên đề, hội thảo hội nghị của rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới,” ông Frédéric Jallat nói.
Đánh giá về sản phẩm du lịch ở Việt Nam, ông Jallat cũng đưa ra gợi ý: “Ngoài du lịch biển, du lịch văn hóa (đặc biệt phát triển ở ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ) và một số hình thức mới như du lịch sinh thái hay du lịch thể thao cũng đang trên đà phát triển ở Việt Nam. Một ví dụ minh chứng là mới đây Tạp chí du lịch Lonely Planet đã xếp thành phố Sapa của các bạn vào Top 10 điểm đi bộ hấp dẫn nhất trên thế giới.”
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương cũng đồng tình với ý kiến của ông Jallat với quan điểm: “Vùng núi phía Bắc có nhiều điểm du lịch thú vị, hấp dẫn khách quốc tế là văn hóa bản địa, Sapa nổi lên nhờ đã khai thác được điểm này.”
Ngày nay, du lịch hoang sơ và thực sự có bản sắc, ít bị biến đổi từ cuộc sống xô bồ sẽ rất thu hút du khách. Nhưng kèm theo đó là vấn đề du lịch có trách nhiệm, trách nhiệm ở đây đứng về góc độ người quản lý, tức là cần biết khai thác đến mức độ nào, hỗ trợ cho những người chủ của tài nguyên đến đâu để cùng nhau giữ gìn. Cũng cần chuẩn bị tinh thần cho khách đến những điểm nhạy cảm ấy thế nào để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến tài nguyên...
Tuy nhiên, ông Lương cũng bày tỏ quan ngại về kiểu làm ngày càng bị thương mại hóa như của Sapa sẽ dẫn đến một thảm họa không chỉ đối với du lịch mà còn đối với cả nền văn hóa bản địa. Đặc biệt là hình ảnh của những cô gái người dân tộc cũng hút thuốc, đánh bài hay cặp kè với du khách nước ngoài… đã tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm với khách du lịch.
Thực tế đó dẫn đến những méo mó cho văn hóa bản địa, là những thứ mà du khách muốn tìm đến để thụ hưởng.
“Do đó, nếu không có chiến lược du lịch cho từng vùng miền, cho từng sản phẩm gắn liền với việc bảo tồn, tôi nhấn mạnh việc bảo tồn thì chúng ta sẽ rất nhanh chóng thôi tự hủy hoại những giá trị quý giá đang có,” ông Lương nói./.
ChiLê (Vietnam+)