Chiều 25/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo "Giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau" nhằm nâng cao hơn nữa giá trị đặc sản cua Cà Mau.
Cà Mau là vùng đất cực Nam của Tổ quốc có điều kiện tự nhiên đặc thù được xem là lý tưởng để con cua sinh sống và phát triển.
Thực tế cho thấy cua Cà Mau đã đóng góp giá trị quan trọng cho sự phát triển của ngành cua Việt Nam. Con cua cũng được xem là đối tượng chủ lực của tỉnh và đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở pháp lý và công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, khẳng định cua Cà Mau với thị trường trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, diện tích, sản lượng cua nuôi của tỉnh Cà Mau không ngừng tăng cao. Theo thống kê, nếu như năm 2016, diện tích nuôi cua chỉ đạt 240.000ha, năng suất bình quân 70 kg/ha, sản lượng 17.414 tấn/năm, nhưng đến năm 2022, diện tích đạt khoảng 252.000ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng ước đạt khoảng 25.000 tấn/năm; trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000ha (có 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn. Phần lớn diện tích còn lại là nuôi theo hình thức tự nhiên và sinh thái.
Qua nhiều năm chuyển đổi sản xuất, đến nay mô hình nuôi cua của tỉnh ngày càng đa dạng về hình thức như nuôi cua kết hợp với các loài thủy sản khác (vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chuyên tôm, tôm lúa, tôm rừng) với diện tích khoảng 248.000ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh (nuôi cua hầm đất) bằng phương pháp nuôi cải tiến 2 giai đoạn khoảng 2.000ha. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang triển khai mô hình nuôi cua trong hộp nhựa…
[Chú cua “Bình Dư” nặng 1,452kg giành giải "Cua Cà Mau lớn nhất"]
Về hoạt động sản xuất giống, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 523 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; 7 tổ hợp tác và hợp tác xã ương dèo, 300 cơ sở ương nhỏ lẻ. Trong đó, có khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống, sản lượng khoảng 700-800 triệu con cua giống/năm, đáp ứng được nhu cầu thả nuôi trong tỉnh và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Sử thẳng thắng thừa nhận giống cua biển hiện nay chưa thuyết phục được người nuôi do quy trình sản xuất chưa ổn định, chất lượng con giống càng ngày bị thoái hóa, kích cỡ cua nuôi khi thu hoạch nhỏ dần, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp và chất lượng không được cơ quan quản lý kiểm soát. Ngoài ra, đa phần các trại sản xuất cua giống kế thừa từ trại sản sản xuất tôm giống nên chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sản xuất.
Đặc biệt, nghề nuôi cua của tỉnh Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn do chất lượng cua giống bị thoái hóa; dịch bệnh trên cua ngày càng phức tạp; nhãn hiệu tập thể chưa phát huy lợi thế...
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, nhất là đưa ra nhiều giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả quảng bá, xúc tiến thương mại để phát triển sản phẩm cua thương phẩm tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Cụ thể, chú trọng đến vai trò của chính quyền địa phương và người nông dân trong quy hoạch vùng nuôi an toàn, mùa vụ nuôi, thời điểm thị trường có nhu cầu để bán được giá cao...; đồng thời, quan tâm đến việc bảo quản, tồn trữ.
Bên cạnh đó, tổ chức quy hoạch lại vùng nuôi cua biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với thực hành sản xuất tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhãn hiệu tập thể "Cua Năm Căn," chỉ dẫn địa lý "Cua Cà Mau" và phát triển sản xuất cua giống, khuyến khích các cơ sở sản xuất cua giống tham gia vào chuỗi sản xuất...
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc từng bước xây dựng và phát triển các vùng nuôi chuyên canh quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và điều kiện tự nhiên.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển thương hiệu và cải thiện khả năng thương mại hóa sản phẩm; triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; thiết kế logo, nhận diện thương hiệu; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tổ chức giao thương, kết nối cung-cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa nhằm phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm…/.