Để đáp ứng được nhu cầu thị trường Mỹ và EU, người nuôi thủy sản Việt Nam nên đi từ tiêu chuẩn GlobalGap (thực hành nông nghiệp an toàn) đến ASC (nuôi thủy sản nước ngọt không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên).
Ngày 27/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Quỹ bảo tồn quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên WWF, Hội nghề cá Việt Nam (Vinafish) và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội thảo về “Các hệ thống chứng nhận trong nuôi trồng thủy sản bền vững.”
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá Nước ngọt của VASEP cho biết VASEP hy vọng sẽ tìm ra tiếng nói chung, hướng đi chung cho sự phát triển cá tra bền vững trong thời gian tới, tránh những rủi ro đáng tiếc như thời gian qua.
Hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới khi sử dụng sản phẩm thường quan tâm tới các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, an toàn thực phẩm, sức khỏe cá và phúc lợi xã hội, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Vinafish, ngoài các yêu cầu từ các quốc gia nhập khẩu, một số hệ thống bán lẻ và một số nhà nhập khẩu còn có tiêu chuẩn quy định riêng, yêu cầu cơ sở nuôi trồng, doanh nghiệp xuất khẩu phải áp dụng và được cấp chứng nhận thì mới nhập hàng nên đã gây khó khăn cho người nuôi và nhà chế biến.
Theo ông Jose Villalon, đại diện WWF Hoa Kỳ, mỗi thị trường khác nhau lại có một yêu cầu khác nhau với cá tra, thống kê sơ bộ hiện cá tra phải gánh tới 23 những chuẩn mực khác nhau liên quan đến quy trình nuôi và không có một “tiêu chuẩn vàng” nào để tất cả các nhà nhập khẩu đều chấp nhận.
Điều này khiến bản thân các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Việt Nam bị rối, mất thêm nhiều khoản chi phí.
Trước tình thế này, ông Jose Villalon gợi ý, Việt Nam cần chủ động đáp ứng các yêu cầu của thị trường Mỹ và EU, người nuôi thủy sản Việt Nam nên đi từ tiêu chuẩn GlobalGap (thực hành nông nghiệp an toàn) đến ASC (nuôi thủy sản nước ngọt không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên).
Đây là điểm mấu chốt để có thể đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng ở hai thị trường này, đồng thời coi đó như một thông điệp cho người tiêu dùng về quy trình nuôi an toàn và thân thiện với môi trường của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm hợp tác xã cá tra Thới An (Cần Thơ) cho rằng, do có quá nhiều tiêu chuẩn nên người nuôi hiện đang có xu hướng lựa chọn phương án xây dựng các vùng nuôi theo Global GAP, hay các tiêu chuẩn theo khuyến cáo của FAO (Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc).
Hiện 70% số hộ nuôi đã liên kết với các nhà máy để đảm bảo yếu tố đầu ra.
Thời gian qua, việc phát triển cá tra bền vững đã được ngành thủy sản Việt Nam đề cập, đến nay đã có 49 công ty chế biến cá tra (chiếm 45% số nhà máy chế biến) được chứng nhận GlobalGAP và các tiêu chuẩn bền vững khác; 103 trại nuôi cá tra đã và đang được chứng nhận các tiêu chuẩn bền vững; 2.805 hécta nuôi cá tra (40% tổng diện tích cá tra) đã và đang được chứng nhận các tiêu chuẩn bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, 5 năm tới là thời gian then chốt để đưa cá tra Việt Nam phát triển bền vững, được sự công nhận của các tổ chức quan trọng trên thế giới./.
Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)