Đừng nội hóa thầy ngoại!

Tìm người thay Calisto: Đừng nội hóa thầy ngoại!

Dù vẫn chưa quyết định, nhưng có vẻ như VFF vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào huấn luyện viên ngoại để thay cho ông Henrique Calisto.
Dù vẫn chưa quyết định, nhưng có vẻ như Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào huấn luyện viên ngoại để thay cho ông Henrique Calisto. Nhưng dù người đó có là ai thì điều mà người hâm mộ mong mỏi nhất là ông thầy ấy đừng bị... “Việt Nam hóa” giống như những người tiền nhiệm của mình.

Thực tế, tất cả những huấn luyện viên ngoại khi đặt chân tới Việt Nam đều đặt mục tiêu đưa đội tuyển của chúng ta vượt ra khỏi cái ao làng Đông Nam Á, chí ít là vươn tới tầm châu lục.

Ông Alfred Riedl có lẽ là người quyết tâm thực hiện mục tiêu ấy mạnh mẽ hơn cả khi làm nên cơn địa chấn với chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc ở vòng loại vòng loại Asian Cup vào năm 2003. Kế đến là chiến công đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào tới tứ kết Asian Cup 2007 tổ chức trên sân nhà.

Thế nhưng, cho đến giờ, mỗi khi nhắc tới ông Rield thì người ta vẫn chỉ nhớ đến những lần về nhì tại SEA Games hay Tiger Cup. Bởi dường như mục tiêu của chúng ta những năm trước chỉ đơn giản gói gọn trong ba chữ “thắng Thái Lan,” hay sau này là vô địch Đông Nam Á.

Cũng chính vì cái suy nghĩ mà nhiều người bình phẩm là “tiểu nông” ấy, mà ông Rield, từ chỗ là người mang hoài bão cùng bóng đá Việt Nam “bơi ra biển lớn” cuối cùng cũng chỉ tập trung vào những mục tiêu mang tầm... khu vực. Quãng thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam quá lâu đã biến một người xuất thân là “Chiếc giầy đồng châu Âu” còn “Việt Nam tính” hơn cả người bản xứ!

Đương thời, ông huấn luyện viên người Áo nổi tiếng với câu nói “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc,” nhưng rốt cục thì chính ông cũng cũng đi làm công việc ấy. Bởi ông hiểu rõ, dù ông có cùng các học trò quật đổ Brazil thì người ta cũng sẵn sàng quên ngay chiến công đó nếu như đội bóng của ông thất bại ở sân chơi khu vực.

Ví dụ điển hình nhất: Năm mà đội tuyển Việt Nam trở thành đội đồng chủ nhà duy nhất vượt qua vòng bảng Asian Cup 2007, cũng chính là cái năm đánh dấu sự đổ vỡ của "mối tình" giữa ông Riedl và VFF sau những giọt nước mắt ở Korat (bị loại ở bán kết SEA Games 24).

Cũng cần nhắc lại là ông Riedl đã từng thắng ông Calisto trong cuộc đua vào chiếc ghế huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam đầu năm 2005 với lý do là huấn luyện viên người Áo “dễ bảo” hơn huấn luyện viên người Bồ Đào Nha. Và vì thế, khi VFF sa thải ông Riedl để đặt niềm tin vào ông Calisto, những tưởng những người làm bóng đá đã có thể thay đổi tư duy một cách triệt để.

Thế nhưng, tất cả vẫn đâu lại vào đó. Chức vô địch AFF Cup 2008 thực tế là một bước đệm rất tốt để chúng ta dám hướng tới những mục tiêu xa hơn, nhất là khi sau giải đấu đó, VFF đã chấp nhận trả cho ông Calisto mức lương kỷ lục là hơn 20.000 USD/tháng. Nên nhớ, đấy là mức lương ngang bằng với phân nửa số huấn luyện viên có đội bóng lọt vào vòng chung kết World Cup 2010.

Ông Calisto nhận lương gấp đôi, nhưng lại điềm nhiên cho rằng vào đến bán kết AFF là thành tích chấp nhận được. Các cầu thủ luôn tìm cách thoái thác mỗi khi đội nhà tham dự vòng loại của những giải đấu lớn. Và điều quan trọng hơn hết, VFF chịu chi, nhưng cũng chỉ chăm chăm hướng đến những sân chơi khu vực.

Chính vì vậy, tuyên bố không chính thức của một ông phó chủ tịch VFF (bị ông Calisto vin làm cái cớ để chia tay đội tuyển) rằng “nếu không vô địch SEA Games 26 thì vứt đi” đã phản ánh cái tầm hạn chế của các nhà quản lý.

Thời buổi bây giờ, tiền bạc không còn là vấn đề nữa khi mà có cả chục Mạnh Thường Quân đổ tiền vào bóng đá. Vậy tại sao chúng ta không xây dựng được một chiến lược lâu dài, không dám nghĩ xa hơn “cái ao làng” Đông Nam Á? Mà nếu vẫn chỉ cần vô địch khu vực là đủ, vậy thì chúng ta tốn tiền thuê thầy ngoại để mà làm gì?

Lâm Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục