Tín dụng HS-SV thắp sáng niềm tin người nghèo

Tín dụng học sinh-sinh viên được gia đình nghèo coi như "phao cứu sinh" trợ giúp đắc lực giúp các bậc phụ huynh lo cho con em tới trường.
Ở những vùng quê thuần nông người dân không có nghề phụ, trước đây gia đình nào cho 2 con đi học đại học được coi là gia đình kiểu mẫu, là "gương sáng trong phong trào học tập". Đáng tự hào thật đấy, nhưng để có đủ tiền cho chúng 4-5 năm trời thì chẳng khác gì như đánh đố.

Thế nhưng, từ khi có tín dụng học sinh-sinh viên, những gia đình nghèo chính thức coi đây như những chiếc "phao cứu sinh" trợ giúp đắc lực, các bậc phụ huynh đã hết cảnh "vò đầu, bứt tóc" lo "cơm, áo, gạo tiền" để được cho con em mình đến trường...

Quyết định 157 - "Phao cứu sinh gia đình nghèo"


Ông Nguyễn Duy Quý, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận sau 3 năm triển khai thực hiện, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã được đông đảo người dân tâm đắc. Đây là một chính sách đầu tư chiến lược cho con người, có ý nghĩa sâu sắc là khoan hòa sức dân, chứa đầy tính nhân văn, nhân bản, bình đẳng trong học tập và hướng tới sự công bằng xã hội.

Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được áp dụng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. Đối tượng được vay vốn khá rộng, đó là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có mạng lưới giao dịch là các tổ tiết kiệm vay vốn ở các thôn, các điểm giao dịch lưu động tại tất cả các xã, phường, thị trấn nhằm nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn người vay làm hồ sơ, thủ tục kịp thời, tiết kiệm được thời gian.

Sau ba năm, doanh số cho vay trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc đến nay đạt hơn 547.130 triệu đồng; doanh số thu nợ 72.421 triệu đồng; dư nợ hơn 474.709 triệu đồng với 38.239 học sinh, sinh viên. Mỗi học sinh-sinh viên đủ điều kiện vay vốn được vay với mức từ 8 đến 9 triệu đồng/người/năm (Tùy từng thời điểm điểu chỉnh mức cho vay) và được giải ngân mỗi năm hai kỳ. Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là 0,5%/tháng.

Chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho hàng nghìn học sinh, sinh viên của tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới những ước mơ học tập. Đặc biệt khắc phục tình trạng các em phải bỏ học vì thiếu tiền bạc do gia đình nghèo túng hoặc những tiêu cực phát sinh đã xảy ra ở không ít trường hợp "Đói ăn vụng- túng là liều" ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.

"Sướng đôi tai" khi nghe người trong cuộc


Không ít gia đình nghèo ở Vĩnh Phúc trước đây khi nhận được giấy báo con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng có tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Họ vui là bởi bao năm đèn sách và đến kỳ thi tuyển con em đã đỗ đạt vào trường học, ở đây là môi trường tốt giáo dục-đào tạo toàn diện, con em khi tốt nghiệp sẽ trở thành người có đức, có tài giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thế nhưng, đan xen sự lo âu đó là tiền bạc để lo cho cho con em ăn học cả quá trình là một vấn đề không đơn giản, nhất là những gia đình thuần nông, địa phương không hề có nghề phụ nào. Từ khi có tín dụng học sinh-sinh viên, sự lo âu, phiền muộn về "Cơm, áo, gạo, tiền" gần như đã được chút bỏ, không ít gia đình nghèo giờ đây nuôi đến 3 đến 4 con đi học đại học, cao đẳng cùng lúc.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, ở thôn Trại Mái, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo có tới 4 người con học đại học mà nguồn thu của gia đình chủ yếu từ 6 sào ruộng và vạt đồi rộng hơn 1.000 m2 đất bạc màu. Ông kể: "Mỗi khi con có giấy báo đỗ vào trường tôi lại nói với bà xã của mình là gay quá, nhà ta lại có một đứa đỗ đại học, thế có chết không !?"...

Có lúc ông Sáng đã tính tới chuyện để đứa con này học thì đứa kia phải nghỉ, nhưng làm thế tội lắm! Và rồi ông quyết tâm cho các con tất cả được vào trường học để cho khỏi "thua chị, kém em."

Để làm được cái điều gần như không tưởng này gia đình ông Sáng đã làm tục vay đến 78 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi thuộc chương trình tín dụng học sinh-sinh viên. Các con ông cũng hứa quyết tâm cố gắng học thành tài, khi ra trường có công ăn việc làm chung sức nhanh chóng hoàn lại món nợ cùng gia đình.

Mới đây cô con gái Nguyễn Thị Sương, học khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã được tuyển vào làm việc tại Huyện ủy Tam Đảo; Nguyễn Thị Anh Trâm học Trường Đại học Sư phạm II trở thành cô giáo dạy ở một trường học cùng huyện. Cả hai cô đã có tiền lương tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Ông Nguyễn Văn Chính, ở thông Ngọc Thụ, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo cho hay, nhờ có tín dụng học sinh-sinh viên mà gia đình anh nuôi được 3 người con học đại học, không phải bán đất, bán nhà hay đi vay nặng lãi của người dân địa phương. Gia đình ông Chính chỉ có nguồn thu chủ yếu từ 5 sào ruộng canh tác lúa, bên cạnh đó còn chăn nuôi, trồng trọt, bà Nghị vợ ông Chính phải đi làm thuê theo thời vụ để kiếm thêm tiền, thế nhưng ngoài trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì tiết kiệm còn lại cho các con đến trường không đáng là bao.

Như bao gia đình nghèo khác, chị Nguyễn Thị Minh, khu 6, thị trấn Lập Thạch cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề nông nghiệp khá khó khăn. Muốn cho con đi học để sau này tự vươn lên thoát nghèo, gia đình chị đã vay tổng số tiền lên tới trên 100 triệu đồng chủ yếu từ nguồn của chương trình tín dụng học sinh-sinh viên cho 4 người con học đại học. Người con trai đầu là Nguyễn Duy Trịnh, tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đi làm, có tiền phụ mẹ nuôi các em.

Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội Vĩnh Phúc ông Nguyễn Kim Thanh cho rằng, với mức vay từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/học kỳ, tính liên tiếp trong cả quá trình học như hiện nay và kỳ hạn hoàn trả vốn khá dài tuỳ theo thời gian học, thì học sinh-sinh viên khá yên tâm để chuyên tâm vào chuyện học tập. Sau này ra trường, các em đi làm cùng giúp gia đình trả nợ Ngân hàng là điều đơn giản.

Đây là chương trình tín dụng đi vào lòng người dân nghèo nhất, được bà con tâm đắc nhất, do đó Vĩnh Phúc cũng quát triệt các ngành chức năng hết sức nghiêm túc, bám sát cơ sở, cho vay kịp thời, đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cao nhất để vốn vay thực sự có ý nghĩa.

Chương trình tín dụng này sẽ xóa bỏ gánh nặng đôi vai và những lo âu trăn trở đối với các bậc phụ huynh điều kiện đang nghèo khó, đặc biệt giúp các em thực hiện nguyện vọng chính đáng và những ước mơ cao đẹp của mình./.

Nguyễn Trọng Lịch (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục