Tín hiệu hy vọng mới cho vòng đàm phán Doha

Ngày 26/5, một nhóm các nước xuất khẩu đã lên tiếng ủng hộ việc nhanh chóng đạt thỏa thuận cuối cùng cho vòng đám phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và coi đây là cách tốt nhất để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên giữa lúc các nền kinh tế toàn cầu phải vật lộn với khủng hoảng.

Ngày 26/5, một nhóm các nước xuất khẩu đã lên tiếng ủng hộ việc nhanh chóng đạt thoả thuận cuối cùng cho vòng đám phán Doha về tự do hoá thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và coi đây là cách tốt nhất để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên giữa lúc các nền kinh tế toàn cầu phải vật lộn với khủng hoảng.

Tại cuộc họp của Đại Hội đồng WTO, đã có thêm nhiều nước lên tiếng ủng hộ văn bản do 13 nước đưa ra vào ngày 20/5, với hy vọng cuối cùng sẽ nhận được sự hậu thuẫn của tất cả hoặc hầu hết 153 nước thành viên của WTO.

Văn bản này được đưa ra trong bối cảnh các điều kiện chính trị mở đường cho việc tiến tới ký kết một thoả thuận thương mại mới đang ngày càng được cải thiện, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay dường như sẽ làm trầm trọng hơn những căng thẳng về chủ nghĩa bảo hộ, do sản lượng sụt giảm và thất nghiệp gia tăng.

Sự cải thiện trong tâm lý chính trị, trong bối cảnh những cuộc thương lượng mang tính kỹ thuật trong các lĩnh vực từ nông sản và hàng công nghiệp cho tới đánh bắt cá, thương mại và môi trường chưa được triển khai tiếp, cũng đang mở đường cho các nước thành viên tìm kiếm giải pháp để phá vỡ thế bế tắc mà các cuộc đàm phán rơi vào hết lần này đến lần khác, và từng khiến hội nghị cấp bộ trưởng bị đổ vỡ trong 3 năm liên tiếp.

Tham gia ký kết văn bản trên ban đầu chỉ có 13 nước và vùng lãnh thổ là Colombia, Costa Rica, Hong Kong, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nauy, Pakistan, Peru, Singapore, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Uruguay. Ngày 26/5, thêm một số nước và vùng lãnh thổ như Tanzania (thay mặt các nước kém phát triển nhất), Ukraine, Thái Lan, Israel, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada và Hàn Quốc ủng hộ.

Những căng thẳng về chủ nghĩa bảo hộ lại nổi lên tại cuộc họp của Đại Hội đồng khi Brazil thay mặt các nước đang phát triển xuất khẩu nông sản khác chỉ trích Mỹ trợ cấp xuất khẩu sữa và Argentina kêu gọi WTO giám sát các biện pháp mang tính vảo hộ để tập trung hơn nữa vào những tác động làm bóp méo thương mại của gói kích thích kinh tế.

Trước đó, Tổng Giám đốc WTO, Pascal Lamy nới với Đại Hội đồng rằng hệ thống thương mại toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng chính trị gia tăng do khủng hoảng kinh tế thúc đẩy các nước đưa ra những giải pháp mang tính bảo hộ.

Vòng đàm phán thương mại đa phương Doha được mở ra vào cuối năm 2001 tại Qata nhằm mục tiêu giúp đỡ các nước nghèo trở nên thịnh vượng hơn thông qua việc thúc đẩy thương mại, nhưng các cuộc đàm phán bị rơi vào ngõ cụt hết lần này đến lần khác do các nước không thể thu hẹp được bất đồng.

Hồi tháng 7/2008, hội nghị cấp bộ trưởng của WTO đã bị đổ vỡ, khi Mỹ tìm kiếm một thoả thuận giúp mang lại các cơ hội mới cho doanh nghiệp nước mình, trong khi các nước đang nổi lớn như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc khăng khăng bảo vệ người nông dân và các ngành kinh tế non trẻ.

Ngày 26/5, ông Lamy cho biết bầu không khí chính trị trong các cuộc đàm phán đã được cải thiện trong năm nay, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang xấu đi. Ngày càng có nhiều nước ủng hộ về mặt chính trị cho việc nhanh chóng khép lại vòng đàm phán Doha.

Đại Hội đồng của WTO đã nhất trí tổ chức hội nghị bộ trưởng thường kỳ tại Geneva trong các ngày từ 30/11 - 2/12/2009, nhưng sẽ tập trung vào tương lai của WTO và nền kinh tế hơn là các cuộc đàm phán Doha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục