Ngày 4/7, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức ngồi vào vị trí thuyền trưởng để chèo lái đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị được dự báo sẽ nhiều chông gai. Vào thời điểm này, cả thế giới đang dõi theo Ai Cập sẽ bước những bước tiếp theo như thế nào nhằm khôi phục sự ổn định trong nước và lấy lại vị thế vốn có của mình. Tổng thống lâm thời nhậm chức sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tuyên bố trong một bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, đình chỉ Hiến pháp, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và một ủy ban để sửa đổi hiến pháp. Tuyên bố này được đưa ra sau bốn ngày biểu tình, tuần hành rầm rộ của phe đối lập làm rung chuyển quốc gia Bắc Phi này và đặt dấu chấm hết cho một năm cầm quyền đầy sóng gió của vị Tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử đất nước các Kim Tự Tháp. Sự kiện này cũng khép lại chương đầu tiên của cuộc "cách mạng" Ai Cập và mở ra một giai đoạn mới đang được người dân nước này đặt nhiều kỳ vọng. Chiến dịch "Tamarod (Nổi dậy)" của phe đối lập đã gặt hái được thành công bất ngờ ngoài sức tưởng tượng khi thu thập được hơn 22 triệu chữ ký "bất tín nhiệm" đối với Tổng thống Mohamed Morsi, chiếm hơn 40% cử tri Ai Cập, và hiệu triệu được hàng chục triệu người trên khắp cả nước cùng đổ xuống đường biểu tình đòi nhà lãnh đạo Hồi giáo này từ chức. Theo một số nguồn tin, làn sóng biểu tình chống chính phủ lớn nhất từ thời đại các Pharaon này đã thu hút 17 triệu người chỉ trong ngày 30/6. Bên cạnh thái độ bất bình của người dân lên đến đỉnh điểm trước thực trạng tồi tệ của đất nước sau một năm nằm dưới sự điều hành của Tổng thống Mohamed Morsi, sự đoàn kết nhất trí của phe đối lập được cho là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của cuộc chính biến hầu như không đổ máu này. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, các lực lượng tự do và cánh tả đối lập Ai Cập đã bỏ sang một bên mọi bất đồng và tạo thành một khối thống nhất. Lời hiệu triệu của họ do vậy không chỉ thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các lực lượng chính trị và tôn giáo mà cả lực lượng quân đội, cảnh sát. "Tính hợp pháp dân chủ" cuối cùng cũng phải chịu khuất phục trước "ý nguyện của nhân dân." Về phần mình, tham vọng quyền lực quá lớn cùng thái độ xem thường đối thủ của ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo khiến họ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác và không nhận ra cơn sóng thần đang ập tới ngay cả khi đã ngập chìm trong nước. Hàng triệu người dân trên khắp cả nước đã đổ xuống đường ăn mừng. Đám đông cuồng nhiệt vẫy cờ tổ quốc và cùng hò reo nhảy múa. Pháo hoa rực sáng trên khắp bầu trời Cairo và các vùng lân cận trong nhiều giờ liền. Cả Ai Cập có thêm một đêm dài không ngủ và lâng lâng trong men say chiến thắng sau một thời gian dài bị kìm nén cảm xúc. Khoảnh khắc lịch sử này gợi nhớ lại thời điểm cựu Tổng thống Hosni Mubarak buộc phải tuyên bố từ chức sau làn sóng biểu tình rầm rộ kéo dài 18 ngày vào đầu năm 2011, giữa đỉnh điểm của phong trào "Mùa Xuân Arập."
Tuy nhiên, cảm giác trên sẽ không kéo dài được lâu và người dân Ai Cập sẽ phải quay lại đối diện với thực tại không mấy dễ chịu. Về phần mình, chính quyền lâm thời ở Ai Cập sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. "Tài sản" mà họ được "thừa hưởng" từ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi quá nhiều. Kinh tế Ai Cập đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng với tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ nước ngoài và thâm hụt ngân sách tăng vọt, các loại thực phẩm thiết yếu và nhiên liệu thiết hụt, giá trị đồng nội tệ giảm mạnh trong khi khi dự trữ ngoại tệ hiện nay đang ở mức đáng báo động dù đã nhiều lần được các nước khu vực hỗ trợ. Du lịch - nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập cùng với kênh đào Suez - đang lao đao vì bất ổn an ninh và chính trị. Bên cạnh nguy cơ khủng bố, xung đột tôn giáo, bè phái, chính quyền lâm thời ở Ai Cập sẽ phải giải quyết hàng núi công việc nhằm xây dựng các thể chế trụ cột của đất nước như sửa đổi Hiến pháp, soạn thảo Luật bầu cử trong bối cảnh Quốc hội đang bị khuyết và Thượng viện - cơ quan hiện nắm quyền lập pháp - vẫn nằm trong tay của phe Hồi giáo. Mặt khác, nếu không có chính sách hòa giải tốt hoặc kiềm chế cái đầu đang bốc lửa, thái độ cay cú của phe Hồi giáo, chính quyền mới sẽ vấp phải sự kháng cự, chống phá quyết liệt từ các lực lượng này. Trên thực tế, dù đang bị cô lập, Anh em Hồi giáo vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất và được tổ chức tốt nhất hiện nay tại Ai Cập. Họ đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử, bỏ phiếu gần đây, bao gồm các cuộc bầu cử thượng viện, quốc hội, tổng thống và cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp hồi cuối năm 2012. Việc gạt Anh em Hồi giáo ra khỏi tiến trình chính trị sẽ đẩy tổ chức này vào con đường cực đoan nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Đây là điều mà chính quyền mới hoàn toàn không mong muốn trong bối cảnh đang rất cần sự ủng hộ của tất cả các lực lượng chính trị, tôn giáo để đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn muôn bề hiện nay. Rõ ràng Tổng thống lâm thời Adli Mansour và chính phủ đoàn kết dân tộc sắp được thành lập ở Ai Cập sẽ có rất nhiều việc cần phải làm nhằm xây tiếp giấc mơ đang dang dở, đáp ứng kỳ vọng lớn của người dân và làm cho "Mùa Xuân Arập" đơm hoa, kết trái trên đất nước của các Kim Tự Tháp./.
Hữu Chiến (TTXVN)