Họ, ba nghệ nhân sinh trưởng ở ba vùng quê đồng bằng Bắc Bộ với những hoàn cảnh, xuất thân khác nhau nhưng đều chung một niềm đam mê đến tận cùng dành cho những giá trị cổ xưa mà cha ông để lại cho gốm Việt.
Ba nghệ nhân, cùng với sự “bảo thủ” đến cùng cực trong việc gìn giữ truyền thống, song vẫn có cái nhìn cởi mở để trao truyền những tinh hoa vốn cổ cho thế hệ hậu bối. Họ, giống như thế kiềng ba chân vững chãi, mà mỗi người là một giá trị riêng và đặc biệt của gốm Việt, trong số rất nhiều nghệ nhân của các làng nghề trên cả nước.
Bài 1: Nghệ nhân khôi phục dòng gốm cổ xưa nhất Việt Nam
Lẽ ra câu chuyện của tôi sẽ bắt đầu với nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông – người con của vùng Dâu Thuận Thành, Bắc Ninh đã có công hồi sinh dòng gốm cổ xưa nhất Việt Nam, nhưng thật tình cờ tôi lại có một quãng tâm tình thú vị với người học trò của ông trước, mà cũng nhờ đó tôi hiểu hơn về nhân cách một con người.
Nguyễn Văn Thành năm nay mới chạm ngõ đôi mươi, sinh trưởng trong gia đình thuần nông ở vùng quê Bắc Bộ nhưng lại trót nặng lòng với gốm. May mắn là chàng trai trẻ đã sớm “tầm sư học đạo” đúng người. Cậu bảo, khi theo thầy Vông đã học được rất nhiều, không chỉ những bài “vỡ lòng” về gốm và mỹ thuật, quan trọng hơn, thầy Vông đã dạy cậu “các tích cổ, đạo lý sống và rất nhiều thứ không có trong sách vở. Thông qua ngôn ngữ gốm em còn được thầy dạy cả văn hóa, lịch sử qua các thời kỳ…”
Hỏi sau khi được gặp thầy Vông và tiếp xúc với gốm Luy Lâu, nhân sinh quan em thay đổi thế nào, vừa chăm chú đưa những mũi dao khắc họa tiết trên chiếc bình Bách Việt đang làm dở, Thành vừa bảo: “Thay đổi rất nhiều chị ạ. Em có cái nhìn khác đi về nghệ thuật. Bình thường thấy cái này cái kia đẹp nhưng không hiểu vì sao, học gốm rồi thì biết thế nào mới là đẹp, có cái nhìn riêng về cái đẹp một cách chuẩn mực.”
Một người trẻ mà tìm đến và gắn bó với dòng gốm đặc biệt như Luy Lâu liệu có phải đã tự làm khó mình không? Thành trầm tư đôi giây rồi khẽ nói, em không nghĩ thế, em chỉ nghĩ mình đang cùng với thầy, với các bác, các chú duy trì một dòng gốm cổ hiếm có của Việt Nam, vốn đã thất truyền một lần rồi mà thầy em đã mất nhiều công sức và thời gian khôi phục, thì nhất định không thể để thất truyền lần nữa.
“Giờ đây, những hậu bối như chúng em mong muốn cùng với thầy có thể gây dựng được cả một nền văn hóa gốm Luy Lâu,” Thành ngước mắt nhìn tôi bằng ánh mắt đầy cương nghị và giọng nói điềm tĩnh.
Nghe Thành nói rồi đứng nhìn cậu thao tác, dù lúc ấy chưa tiếp xúc với nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông nhưng tôi đã đôi phần cảm phục người thầy ấy, người như nào mới có thể truyền lửa, góp phần thay đổi tư duy và nhân sinh quan cho học trò của mình; giúp thế hệ trẻ định hướng và nhìn ra chân-thiện-mỹ qua gốm… Nghệ nhân Vông đã không chỉ khôi phục được một dòng gốm cổ quý hiếm mà còn trao truyền và gieo cho hậu bối những giá trị tốt đẹp.
Vừa nghĩ tới đây thì nghệ nhân Vông xuất hiện để chúng tôi có thể bắt đầu câu chuyện chính thức của mình.
Dòng gốm cổ xưa của vùng văn hóa Luy Lâu
- Tôi vừa có cuộc trò chuyện ngắn với học trò của ông và chợt thấy mình may mắn vì trong ngày đầu Xuân này đã được tìm hiểu và tiếp xúc với dòng gốm đặc biệt như Luy Lâu. Tôi muốn hỏi, vì sao ông chọn khôi phục và gắn bó với gốm cổ Luy Lâu vốn đã thất truyền nhiều thế kỷ chứ không phải dòng gốm nào khác, có khó khăn gì trong quá trình đó không, thưa ông?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Tôi có duyên với gốm từ những năm 1976-1977. Thời điểm đó, các nhà khoa học lịch sử như Trần Quốc Vượng, Dương Trung Quốc về vùng Luy Lâu (Bắc Ninh) khai quật các sản phẩm gốm, phát lộ ra cả lò gốm và thành cổ Luy Lâu 2.300 năm. Đồng nghĩa với niên đại đó, làng gốm cổ Luy Lâu cũng xuất hiện, quy tụ tất cả những người giỏi nghề gốm nước ta.
Nhà sử học sau đó có chia sẻ với tôi rằng nếu khôi phục được văn hóa gốm cổ Luy Lâu thì rất tốt nên tôi đã quyết tâm đi theo và đến nay đã gắn bó được hơn 40 năm.
Việc khôi phục gốm cổ Luy Lâu khó khăn hơn nhiều so với các dòng gốm mới sau này, bởi niên đại hơn 2.000 năm lịch sử với nhiều giá trị đã thất truyền 3 thế kỷ trước, làng nghề cũng không còn. Tôi là người con của làng gốm Luy Lâu nên tôi quyết tâm khôi phục và đã khôi phục thành công.
- Thất truyền tới 300 năm, tôi nghĩ quá trình nghiên cứu, tìm lại dòng gốm cổ của ông chắc chắn sẽ vô cùng gian nan, vất vả. Ông đã mất bao lâu để có thể làm chủ được kỹ thuật và công nghệ làm dòng gốm cổ này?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Cuộc đời tôi theo học mỹ thuật và theo nghề gốm 40 năm rồi, chỉ có yêu gốm, vì gốm thôi chứ không ham muốn gì khác. Gốm đã là nghiệp của tôi và tôi luôn tin sứ mệnh của mình sinh ra là để khôi phục lại dòng gốm cổ Luy Lâu, văn hóa Luy Lâu.
Tôi đã đi tất cả các làng nghề của đất nước từ Bắc vào Nam, từ Thổ Hà, Phù Lãng, Bát Tràng, Chu Đậu, gốm Cậy… đến Lái Thiêu, Bình Dương… Đi để biết và hiểu kỹ thuật các dòng gốm khác của nước mình thế nào. Có làng nghề phát triển rực rỡ như Bát Tràng, Phù Lãng thì cũng chỉ mới hình thành từ khoảng thế kỷ 14-15.
Đi, học để biết hầu hết kỹ thuật ở những làng nghề đó không thể dùng cho gốm Luy Lâu, bởi dòng gốm này đặc biệt và khác biệt hẳn từ nước men cho đến cách chế tác, xương đất.
- Khác biệt đó cụ thể ra sao, thưa ông?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Gốm Luy Lâu chế tác hoàn toàn thủ công cùng chất đất đặc biệt, thậm chí còn không dùng cả bàn xoay mà vẫn tạo dựng nên các hình khối, đường nét. Những nghệ nhân hay thợ ở các làng gốm khác nếu không quen cũng khó có thể làm được.
Khâu làm đất cũng tuân thủ rất nhiều kỹ thuật là kinh nghiệm đúc kết của các tiền nhân. Ngày xưa, gốm Luy Lâu không làm đất nhanh như bây giờ hoặc giống như các làng gốm khác, mà có thể đời cha lấy đất để đời con, cháu làm, cứ thế kế tục nhau.
Trời phú cho vùng quê Luy Lâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh có loại đất đặc thù không giống bất kỳ đâu. Thành cổ Luy Lâu đắp cao tới hơn 2 mét, bề dày khoảng 30cm, chịu nắng mưa hàng trăm năm nay không suy chuyển gì là minh chứng rõ nét nhất lịch sử còn để lại tới giờ.
Đất Luy Lâu lấy về, để từ 3-50 năm cho phong hóa, đã tạo nên một giá trị vô cùng khác biệt và đặc biệt. Nếu đất lấy về làm ngay như các làng nghề bây giờ sẽ chưa thể khử hết tạp chất và khí trong đất.
Đặc biệt, hoa văn, đường nét trên gốm Luy Lâu không phải là mỹ nghệ, tỉa tót để cố làm cho tinh xảo mà là những đường nét, màu sắc, hình khối vô cùng ấn tượng, khỏe khoắn, có sức sống. Người nghệ nhân phải truyền được cái thần, cái hồn vào sản phẩm để ai nhìn cũng trân trọng, ấn tượng không quên.
Trong mấy chục năm tôi đào tạo gần 1.000 học trò, rất nhiều người có thể giỏi ở làng nghề khác nhưng với gốm Luy Lâu lại không làm được.
Tinh hoa gốm Việt
- Theo ông, để làm nên một tác phẩm gốm Luy Lâu đẹp và chất lượng cần chú trọng những yếu tố gì?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Khi sản phẩm là tâm huyết của người nghệ nhân, là kết tinh của thăng hoa bằng cả cảm xúc trí tuệ, tinh thần, cảm nhận, với bàn tay khối óc truyền vào, nó như nguồn năng lượng và cái đó không thể nhìn thấy.
Chính vì thế, có những tác phẩm tôi làm như trong mơ, làm xong mà không biết mình đã làm như thế nào, gần như được sự dẫn dắt của bề trên. Khi đã đạt đến cảnh giới đó thì làm sao mà xấu được.
Chẳng một nghệ nhân ở dòng gốm nào trên đất nước Việt Nam dám nói một câu: “Quý khách sử dụng sản phẩm gốm Luy Lâu trong 5 năm, nếu không có nhu cầu chúng tôi có thể mua lại.” Mấy chục năm nay tôi đã nói câu này rồi nhưng không có ai trả lại gốm Luy Lâu cho tôi cả.
Tôi nói thế để bạn hiểu được giá trị của gốm Luy Lâu. Bởi họ chẳng thể tìm được ở bất cứ đâu một chất liệu như vậy, một phong cách thể hiện như vậy và dòng men của Luy Lâu hoàn toàn khác biệt.
- Vâng, từ những điều ông vừa nói, tôi có thể thấy được giá trị nằm ở những khác biệt. Với một người đã dành cả đời tâm huyết với dòng gốm đặc biệt này, theo ông đâu là tinh hoa trong những khác biệt của gốm Luy Lâu?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Tại hội thảo về gốm Luy Lâu của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam hồi tháng 7/2007, các nhà khoa học đã khẳng định gốm Luy Lâu là dòng gốm cổ xưa nhất, đại diện cho dòng gốm phương Nam của Việt Nam chúng ta.
Đặc thù của đất Luy Lâu là có lượng sắt rất lớn nên xương gốm rất cứng, chịu được tất cả các mức nhiệt, âm dưới hàng trăm độ và hàng trăm, hàng nghìn năm không bị rêu phong. Chất men được làm hoàn toàn thủ công, nguyên liệu chính là gỗ mà tiêu biểu nhất là than từ thân cây dâu mọc ở vùng dâu Luy Lâu, pha trộn với đá, vỏ sò từ các vùng biển để tạo nên dòng men đặc biệt ấy.
Chính nguyên liệu đặc biệt đã tạo nên màu sắc vô vùng khác biệt cho dòng gốm Luy Lâu bởi hội tụ đủ các sắc màu, từ hồng đến vàng rực rỡ hay màu xanh ôliu trầm ấm hút hồn.
Đặc biệt hơn là khi chuyển động theo các góc ánh sáng khác nhau sẽ cho ra những sắc màu khác nhau. Khi phân tích màu trên 1cm2 màu men gốm Luy Lâu đã độ qua lửa hồng thủy hỏa biến thấy hội tụ đủ các dải màu mà những dòng gốm khác không thể có được.
Có thể nói, tự nhiên đã ưu đãi gốm Luy Lâu, ưu đãi những nghệ nhân tâm huyết với nghề để tạo ra được dòng gốm quý. Đến nay, gốm Luy Lâu đã đến được với thị trường Mỹ, Pháp, Nhật Bản… và đều được trân trọng, đánh giá cao.
- Như ông vừa phân tích có thể thấy màu men là một trong những tinh hoa của dòng gốm Luy Lâu. Vậy để pha chế được các bài men cho dòng gốm này ông đã mất bao lâu để nghiên cứu và thử nghiệm? Trong quá trình đó có gặp khó khăn gì không?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Để khôi phục lại các bài men cổ gốm Luy Lâu tôi đã mất hàng nghìn lần thử nghiệm trong suốt mấy chục năm tìm tòi chất liệu.
Trong một bài men của gốm Luy Lâu, có khoảng 8-9 nguyên liệu như vài loại đá, vài loại vỏ sò hến, đặc biệt nhất là tro của than cây dâu ở vùng dâu Luy Lâu mới có thể cho ra được màu sắc đặc thù. Với những mức nhiệt khác nhau sẽ cho những màu men khác nhau. Nhưng để tìm được một công thức cuối cùng tôi đã phải rất vất vả, tốn cả chục năm trời, vừa đi tìm vừa khai thác nguyên liệu về thử nghiệm.
Hiện giờ, tôi đang có một số thân cây dâu được khai quật ở dạng gần như hóa thạch. Số này cực hiếm và vô cùng ít. Còn ngày xưa ở vùng dâu Luy Lâu có những câu dâu cổ đường kính tới cả mét.
Những giá trị khó trao truyền…
- Gốm Luy Lâu vốn là dòng gốm quý tộc chỉ dành cho Vua chúa, tầng lớp quan lại, hay dùng làm nguyên liệu xây nên những đền đài, cung điện, tác phẩm trang trí nghệ thuật. Vậy khi hồi sinh lại dòng gốm này ông làm sao để những sản phẩm, tác phẩm của mình vừa mang những giá trị cổ xưa mà vẫn phù hợp với đời sống đương đại?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Cái tôi mang vào sản phẩm để toát lên tinh thần của gốm Luy Lâu chính là tư duy và cảm nhận về đường nét, dù hiện đại nhưng vẫn mang dáng vóc và hình khối cổ cùng với chất đất đặc trưng mà không dòng gốm nào có được.
Gốm Luy Lâu không phải là làm tỉ mỉ, trau truốt cho nhẵn mà là những đường nét thô nhưng rất mạnh mẽ và ấn tượng, được cảm nhận bằng tư duy và tâm hồn của người nghệ nhân.
Khi ta thăng hoa cảm xúc, khi ta yêu nghề, ta truyền cảm hứng của mình vào các tác phẩm gốm thì tự khắc sản phẩm đó có giá trị.
- Xin hỏi, những sản phẩm ông làm hiện nay chất lượng có thể đạt được bao nhiêu % so với gốm Luy Lâu cổ xưa của cha ông?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Tại Hội thảo gốm cổ Luy Lâu của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam hồi tháng 7/2007, các nhà khoa học đã khẳng định dòng men của gốm Luy Lâu cổ xưa có cách đây hơn 2.000 năm với men được tôi phục chế lại bây giờ gần như đảm bảo tới 90%.
- Đi qua chặng đường có thể nói cũng đủ dài của đời người rồi, tâm huyết với gốm Luy Lâu như thế, ông có suy nghĩ hay trăn trở gì trong việc trao truyền những giá trị mà mình dày công nghiên cứu, tích lũy được cho các thế hệ hậu sinh?
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông: Ngoài 60 tuổi rồi, tôi cũng muốn truyền lại những kinh nghiệm đã chắt lọc được trong suốt 40 năm theo đuổi và say mê với nghề cho những ai có lòng đam mê gốm cổ.
Nếu gốm Luy Lâu mà để thất truyền nữa sẽ là điều vô cùng đáng tiếc. Dòng men này không còn là của tôi nữa mà đã là của quốc gia, là một giá trị văn hóa, một dòng gốm đặc biệt như các nhà khoa học và sử học đã khẳng định.
Nhưng không phải cứ truyền nghề là làm được gốm Luy Lâu. Bởi một nghệ nhân đích thực không chỉ có đắp, vẽ là thành sản phẩm mà còn phải có tình yêu thực sự đủ lớn để truyền tải được tâm huyết vào tác phẩm. Thêm nữa, cái khó là trong thời đại xã hội phát triển này người ta làm gì cũng muốn nhanh có kết quả, nên nếu muốn làm kinh tế thì khó có thể kế thừa gốm Luy Lâu trong tương lai.
Chính vì thế, tôi đang tìm những người tâm huyết nhất, quyết tâm đủ lớn, tình yêu đủ lớn với gốm cổ Luy Lâu để truyền nghề, giữ gìn văn hóa và giá trị gốm quý dân tộc.
- Xin cảm ơn vì chia sẻ và chúc ông sớm tìm được những truyền nhân đích thực.
Video giới thiệu chân dung nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông:
Bài 2: Phạm Anh Đạo: “Nghệ nhân gàn dở” đi “ngược chiều gió”