Ngày 7/2, tại thành phố Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về tình hình nông, lâm nghiệp và tháo gỡ khó khăn trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Kon Tum trong công tác phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn tại địa bàn trong năm qua. Kết quả mà tỉnh Kon Tum đạt được thể hiện hướng đi đúng đắn đã thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt, góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số.
Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan giúp tỉnh Kon Tum tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn; đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục học hỏi những mô hình, cách làm hay để nâng cao diện tích trồng dược liệu và các sản phẩm đặc hữu.
Cùng đó, đưa ra các giải pháp mới để phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng tầm giá trị của sâm Ngọc Linh; chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp trong trồng, chế biến, sản xuất dược liệu nói riêng và sâm Ngọc Linh nói chung.
[Kon Tum: Bắt giữ 3 trong 5 đối tượng phá rừng Sa Thầy]
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính đạt hơn 17.600 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021. Cụ thể nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 3.750 tỷ đồng, tăng 6,19%, đóng góp 1,36 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của cả tỉnh.
Nhiều chỉ tiêu chính đã vượt và đạt kế hoạch đề ra như diện tích cao su, cây ăn quả, cây Mắc ca, cây sâm Ngọc Linh. Tỉnh Kon Tum đã trồng mới gần 5.300ha rừng, vượt 16,91% kế hoạch; cây phân tán trồng được gần 1,6 triệu cây, vượt 163,7% kế hoạch, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 63,12%.
Tổng đàn gia súc ước đạt 274.500 con; tổng sản lượng thủy sản đạt 8.353 tấn; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92% và có 41 xã đạt chuẩn Nông thôn mới với 19/19 tiêu chí.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa, chuyển đổi số trong sản xuất. Tỉnh hiện có hai vùng nông nghiệp và hai doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận; có khoảng 16.200ha cây trồng sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; có 800ha sản xuất hữu cơ và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm an toàn; có 157 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Với một Liên hiệp Hợp tác xã và 165 hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên liên doanh, liên kết với nhau để gia tăng dịch vụ; giúp nâng doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp lên 1,1 tỷ đồng/hợp tác xã/năm, lợi nhuận đạt 235 triệu đồng/hợp tác xã/năm; thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 40 triệu đồngngười/năm; thu nhập bình quân của thành viên khoảng 35 triệu đồng/người/năm.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023, tỉnh Kon Tum phấn đấu đẩy mạnh tăng trưởng GRDP so với năm trước; nâng tổng diện tích cây trồng lên gần 10.500ha; trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh và 900ha cây dược liệu khác; trồng mới trên 4.000ha rừng và gần 600.000 cây phân tán, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 63,12%.
Tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển thêm 3 sản phẩm OCOP; nâng tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 93%.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có ý kiến về việc quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh để địa phương triển khai các bước tiếp theo; nghiên cứu hướng dẫn trình tự, thủ tục, pháp lý về hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng để địa phương triển khai thực hiện.
Bộ cho cơ chế, chính sách trồng dược liệu dưới tán rừng đặc dụng; qua đó, giúp người dân sinh sống gần rừng được hưởng lợi dưới tán rừng, góp phần vào việc giữ vững diện tích rừng trên địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương để các tỉnh Tây Nguyên thực hiện điều tra, kiểm kê rừng; phân bổ chỉ tiêu rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở triển khai các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các bộ, ngành quan tâm giới thiệu những doanh nghiệp chế biến đến Tây Nguyên để xây dựng vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.
Trước đó, ngày 6/2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra thực tế tại vườn sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, đến thăm mô hình sâm dây của hộ ông A Đường (làng Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông).
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã gặp gỡ, thăm hỏi tập thể cán bộ, công nhân, người dân trồng sâm Ngọc Linh./.