Tinh thần khởi nghiệp Việt Nam mạnh mẽ song lại thiếu “vốn mồi”

Làn sóng khởi nghiệp đang lan rộng trong đời sống xã hội. Theo giới chuyên gia, nếu xu thế này thực sự “bùng nổ” thì đây sẽ là một nguồn “tài nguyên” vô giá để thu hút đầu tư quốc tế.
Tinh thần khởi nghiệp Việt Nam mạnh mẽ song lại thiếu “vốn mồi” ảnh 1Illustrative image (Source: internet)

Làn sóng khởi nghiệp đang lan rộng trong đời sống xã hội. Theo giới chuyên gia,  nếu xu thế này thực sự “bùng nổ” thì đây sẽ là một nguồn “tài nguyên” vô giá để thu hút đầu tư quốc tế.

Văn hóa gọi vốn… xa lạ!

Một Báo cáo từ Tập đoàn Amway cho thấy, Việt Nam xếp vị trí thứ nhất về tinh thần khởi nghiệp và đứng thứ hai về thái độ tích cực đối với khởi nghiệp, trong số 45 nước tham gia khảo sát.

Tinh thần thì có song để huy động vốn thực hiện giấc mơ của mình, các công ty khởi nghiệp hầu hết chỉ có thể huy động vốn theo cách truyền thống từ gia đình, người thân.

Nhưng, nguồn vốn này thường có hạn, mang tính tự phát và thiếu ổn định, trong khi nguyên tắc “vàng” để khởi nguồn kinh doanh – “thứ nhất buôn dai, thứ nhì dài vốn.”

Chính những khó khăn về vốn là một trong những rào cản lớn nhất với cộng đồng start-up.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, trong số 5.443 doanh nghiệp giải thể (6 tháng đầu năm) có đến 5.020 doanh nghiệp quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 92,2%) và về loại hình thì công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 69,6%, doanh nghiệp tư nhân là 17,4% và công ty cổ phần chiếm 13%.

Ngoài ra, các công ty trách nhiệm hữu hạn cũng chiếm tới 73% trong tổng số 37.907 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, kể từ đầu năm.

Ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Nhóm công tác Khởi nghiệp Sáng tạo, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VMCG chỉ ra, phần đông các start-up tại Việt Nam không có thói quen gọi vốn tài chính từ những người xa lạ, trong khi “văn hóa” khởi nghiệp đã được phổ biến rộng rãi trên thế giới từ hơn 40 năm trước.

[Khởi nghiệp sáng tạo: Thiếu vắng “tài năng” để tập hợp thành nhóm]

Vốn “đắp chiếu”

Trên thực tế, các start-up phát triển tốt thường là món hàng “nóng” được các quỹ đầu tư săn lùng và hiện đang có không ít số quỹ đầu tư vào các startup, như Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)... Nguồn của các quỹ này là khá lớn nhưng lại gặp vấn đề nan giải là đầu ra.

Nghịch lý luôn tồn tại, trong khi phần đông các start-up Việt “khốn khổ” vì đói tài chính thì dòng vốn lớn tại các quỹ đầu tư mạo hiểm lại “nằm đắp chiếu.”

Một trong những lý do, đó là các quỹ đầu tư mạo hiểm quy định quản lý vốn tối thiểu đầu tư vào mỗi công ty (thường từ 500.000 USD trở lên) và các start-up Việt Nam đa phần không đạt quy mô đó.

 

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silicon Valley, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam luôn thường bị rơi vào vòng luẩn quẩn, “vì không có doanh thu nên không huy động được vốn, mà không huy động được vốn thì không thể kinh doanh dẫn đến không có doanh thu...”

Ngoài ra,  kênh dẫn vốn ngân hàng cũng không phải là “cánh cửa” mà các start-up có thể chạm tới, khi tiêu chí cấp khoản vay là khả năng thu hồi vốn thông qua việc thẩm định doanh nghiệp và đánh giá các tiêu chí (doanh thu, dòng tiền, lợi nhuận và tài sản đảm bảo...).

Thêm vào đó, ở giai đoạn huy động vốn mồi, bà Thạch Lê Anh cho rằng, các startup cũng không không thể tiếp cận từ phía các sàn chứng khoán, bởi những quy tắc dẫn tới mất quyền kiểm soát của doanh nghiệp, rồi phải công khai kết quả kinh doanh, bị theo dõi sát sao từ báo chí và truyền thông.

[VPSF 2017 thúc đẩy chương trình hành động khu vực kinh tế tư nhân]

Tinh thần khởi nghiệp Việt Nam mạnh mẽ song lại thiếu “vốn mồi” ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tam giác “trợ lực”

Bà Lê Anh nhấn mạnh, “nếu đã xác định các start-up là công cụ để tạo bước đột phá cho nền kinh tế, vậy tại sao họ lại gặp khó khăn khi gọi vốn. Nguyên nhân, khởi nghiệp là giai đoạn rủi ro nhất trong đầu tư. Các start-up trong giai đoạn phát triển ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm mẫu và chưa thử nghiệm trên thị trường, nên không có khả năng huy động vốn do không có tài sản đảm bảo."

"Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mạo hiểm chưa có trong khi đầu tư mạo hiểm rủi ro lớn sẽ dễ khiến các nhà đầu tư chùn bước trong quyết định đầu tư vào Việt Nam.”

Về vấn đề này, ông Minh Giang cho rằng, khởi nghiệp cần thực hiện từ ba góc của một tam giác (start-up - nhà đầu tư – người cố vấn).

“Những người cố vấn xuất hiện, như những người đi trước, họ truyền kinh nghiệm đồng thời có thể làm cầu nối giữa các startup, nhà đầu tư cũng như tiếp cận với thị trường. Việc quan trọng là tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư, start-up nhằm giảm các rủi ro tài chính, thời gian… cho các hoạt động khởi nghiệp.”

Gần đây, thị trường xuất hiện những đối tượng nhà đầu tư mới (như nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư accelerator - "vốn mồi"), tuy nhiên cũng không dễ phát triển.

Nguyên nhân, theo bà Lê Anh, các nhà đầu tư ở Việt Nam chưa nhìn nhận đầu tư start-up là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận. Bên cạnh đó, các quỹ có quy mô lớn không muốn tham gia các vòng đầu tiên của startup vì rủi ro cao. Hơn nữa, số tiền đầu tư cho startup quá nhỏ, khiến quỹ bị chia nhỏ và họ không đủ người quản lý.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, các cấp quản lý cần phải chủ động tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư thiên thần. Họ sẽ là một trong những lực lượng tích cực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, bởi khác với các quỹ đầu tư thông thường là đầu tư cho kết quả thì các nhà đầu tư thiên thần lại đầu tư cho tương lai./.

Ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Nhóm công tác Khởi nghiệp Sáng tạo, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VMCG phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục