Tình trạng chặt cây điều diễn ra ồ ạt ở Đồng Nai

Cây điều mất mùa liên tiếp trong 2 năm trở lại đây, khiến nhiều nông dân ở Đồng Nai đang ồ ạt chặt đi để thay thế giống cây khác.
Cây điều mất mùa liên tiếp trong 2 năm trở lại đây, khiến nhiều nông dân ở Đồng Nai đang ồ ạt chặt cây điều - một trong 5 loại cây trong chương trình phát triển cây chủ lực của tỉnh để chuyển sang trồng các loại cây khác, mà theo nông dân có hiệu quả kinh tế hơn.

Tại xã An Viễn của huyện Trảng Bom, nơi có gần 2.000ha điều cao sản được trồng bằng giống mới theo qui trình kỹ thuật của Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) nhiều năm qua cho năng suất từ 2 đến 3 tấn/ha, nhưng 2 năm nay cũng chỉ đạt năng suất bình quân dưới 1,5 tấn hạt/ha.

Ông Nguyễn Văn Rung, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn - người nổi tiếng về thâm canh cây điều ở Đồng Nai với năng suất bình quân trước đây đạt gần 4 tấn/ha cho biết, gia đình ông có 4ha điều trồng bằng các giống mới, nhưng do thời tiết quá bất thường nên năng suất giảm một nửa.

Nhiều hộ nông dân cho biết, hiện giá điều dao động ở mức hơn 10.000 đồng/kg, nếu cho năng suất khá khoảng 2 tấn/ha, thì người trồng chỉ thực lãi khoảng 15 triệu đồng/ha, trong khi đó, nhiều nông dân trồng cao su có mức thu nhập gấp hơn 2 lần.

Vì lý do trên, nhiều nông dân đã chặt bỏ điều để trồng các loại cây công nghiệp khác hoặc trồng xen cao su trong vườn điều rồi sau đó chặt dần cây điều, khiến diện tích trồng điều trong xã chỉ còn khoảng 1.200ha.

Tại huyện miền núi Định Quán có tới 11.000ha điều nhưng vài năm nay, phần lớn diện tích đạt năng suất chưa tới 1 tấn/ha, nên nông dân cũng đã chặt bỏ nhiều diện tích trồng điều để trồng các loại cây ăn trái. Tình trạng trên cũng đang diễn ra tương tự ở các huyện khác có nhiều diện tích trồng điều như Xuân Lộc, Trảng Bom.

Ông Nguyễn Thái Học, Tổng Giám đốc Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội cây điều Việt Nam cho biết, Đồng Nai có diện tích trồng điều khoảng 45.000ha, lớn thứ 2 cả nước, sau tỉnh Bình Phước. Việc chặt phá cây điều để trồng cây khác làm ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Để đảm bảo cân đối nguồn nguyên liệu chế biến, các ngành chức năng cần chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật cho người trồng điều, đồng thời tạo ra sự liên kết bền vững giũa người trồng điều và các cơ sở chế biến. Mặt khác, sự kiện thời tiết diễn biến thất thường nhiều năm mới xảy ra nên người dân cứ bình tĩnh trồng và thâm canh điều.

Ở Đồng Nai, cây điều được coi là cây trồng chủ lực trong nhiều năm qua và vẫn là hướng phát triển của tỉnh trong các năm tới, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng trung du còn nhiều quỹ đất. Công ty Donafoods tiếp tục cung ứng giống điều ghép cao sản, cử cán bộ kỹ thuật về từng xã để hướng dẫn nông dân phát triển mạnh diện tích trồng diều cao sản, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân./.

Minh Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục