Tốc độ tăng lao động ở VN chậm lại trong 10 năm tới

Dự báo, giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng lực lượng lao động chậm lại, chỉ đạt khoảng 1,43%/năm so với 2,49%/năm của giai đoạn 2000-2009.
Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo về Đề án phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2020, để góp ý kiến lần cuối vào dự thảo đề án này, chuẩn bị trình Quốc hội vào tháng 4/2011.

Theo dự báo về cung-cầu lao động giai đoạn 2011-2020 được đưa ra trong đề án, giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng lực lượng lao động chậm lại, chỉ đạt khoảng 1,43%/năm so với 2,49%/năm của giai đoạn 2000-2009.

Trong đó, giai đoạn 2011-2015, tăng 1,65%/năm và giai đoạn 2016-2020, tăng 1,22%/năm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cả nước cũng được dự báo là tăng nhẹ, từ 77,3% năm 2010 lên 78,1% năm 2015 và 78,6% vào năm 2020…

Điều này có nguyên nhân là dân số bước vào tuổi lao động giảm, từ 1,5 triệu người/năm (2011-2015) giảm còn 1,4 triệu người/năm (2016-2020); tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm này giảm do gia tăng tỷ lệ đi học và gia tăng số người ra khỏi tuổi lao động mỗi năm.

Phân tích thực trạng, kết quả hoạt động của thị trường lao động và năng lực quản lý thị trường lao động giai đoạn 2000-2010, những bài học rút ra về mặt khuôn khổ pháp lý, thể chế chính sách; về cung-cầu lao động và sự gắn kết cung-cầu lao động; về an sinh xã hội và hỗ trợ những người yếu thế; về vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm; về giá cả sức lao động… các đại biểu cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát của giai đoạn 2011-2020 được đề ra trong Dự thảo Đề án là phát triển thị trường lao động hiện đại, hiệu quả, cạnh tranh và công bằng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Hội thảo thống nhất về các mục tiêu cụ thể như: nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực; việc làm đầy đủ và bền vững cho người lao động; gắn kết cung-cầu lao động, phát triển các yếu tố hạ tầng của thị trường lao động; hỗ trợ các nhóm yếu thế hòa nhập thị trường lao động và đẩy mạnh an sinh xã hội…

Hội thảo đã dành nhiều thời gian phân tích về các giải pháp phát triển thị trường lao động, nhằm có những đổi mới về thể chế chính sách, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ và bền vững, gắn kết cung cầu lao động; hỗ trợ các nhóm yếu thế, đẩy mạnh an sinh xã hội, quản trị thị trường lao động...

Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí về một số chương trình/dự án chủ yếu phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011-2020 như hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thị trường lao động; Thúc đẩy cầu lao động và tăng tỷ lệ lao động làm công ăn lương; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước; Dự án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Việc làm giai đoạn 2011-2015; Nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước về lao động-việc làm, hoạt động truyền thông, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường lao động cho nhóm yếu thế…/.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục