Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức (CIEM) cho biết, tốc độ vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng rất nhanh kể từ năm 2016 đến nay, tương ứng tăng gần 70% (năm 2016), tăng 90% (năm 2017) và tăng 28% (năm 2018), đạt mức tăng trung bình 62,7% mỗi năm trong cả giai đoạn 2016–2018.
[Tháng Tám: Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.700 tỷ đồng trên HoSE]
Theo đó, mức độ vốn hóa trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 26% GDP và tăng tốc các năm 2016 lên 40%, năm 2017 là 70% và 2018 tương ứng 82%.
Tuy nhiên, nhóm tác giả thực hiện báo cáo lại chỉ ra, do vốn hóa thị trường chứng khoán tăng nhanh khiến tỷ lệ dữ trữ ngoại hối/vốn hóa thị trường lại giảm đi đáng kể, từ mức cao nhất 64% (năm 2012 và năm 2014) xuống còn 32% (năm 2017 và năm 2018).
“Điều này có thể làm gia tăng mức độ dễ bị tổn thương của thị trường chứng khoán trước nguy cơ thoái vốn, nhất là thoái vốn và chuyển vốn của nhà đầu tư nước nước ngoài,” báo cáo của CIEM cảnh báo.
Trong chương trình cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ, cơ cấu lại hệ thống tài chính trong đó các tổ chức tín dụng luôn là trọng tâm và ưu tiên số một luôn là xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý nợ xấu.
Tuy vậy, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu vẫn còn lớn, ước bằng khoảng 5,5% vào cuối năm 2018. Báo cáo này chỉ dẫn, việc xử lý nợ xấu đi vào thực chất và quyết liệt hơn từ năm 2015. Kết quả ghi nhận, tỷ lệ nợ xấu vào tháng 9/2012 ước tính là 17,21% tổng dư nợ tín dụng song đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 890.270 tỷ đồng nợ xấu, tương đương hơn 65% tổng số nợ xấu trong nền kinh tế.
“Việc xử lý nợ xấu vẫn chưa kết thúc bởi những vướng mắc từ nguyên tắc thị trường. Cụ thể, thị trường mua, bán nợ phát triển vẫn còn khó khăn, việc xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ chưa có chuẩn thống nhất, thêm vào đó số lượng các nhà đầu tư trên thị trường còn mỏng, chưa đa dạng, chất lượng nhà đầu tư trên thị trường mua bán nợ còn thấp cũng như thiếu thị trường thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ,” báo cáo chỉ ra./.