"Tôi không muốn lẻ loi"

"Tôi không muốn một mình lẻ loi ngoài biển lớn"

Hiện nhiều tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu huy động nguồn vốn lớn đang có xu hướng vươn ra thị trường chứng khoán quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tuổi lên mười, quãng thời gian tuy chưa dài nhưng cũng đủ giúp cho các doanh nghiệp đại chúng Việt Nam từng bước tiếp cận và cọ xát với kênh huy động vốn hiệu quả này. Cũng trong quá trình đó, nhiều doanh nghiệp dần nhận thấy “cái áo thị trường” ngày càng trở nên chật chội hơn, khi mà tốc độ IPO và phát hành thêm gia tăng mạnh mẽ. Vì vậy, nhiều tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu huy động nguồn vốn lớn đang có xu hướng vươn ra thị trường chứng khoán quốc tế. Tuy nhiên suốt từ năm 2006 trở lại đây, số lượng các công ty Việt Nam niêm yết quốc tế cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây không chỉ là trăn trở của những người chưa "dấn bước", mà cũng là nỗi băn khoăn của cả những người đầu tiên "đi mở cõi".  Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Cavico Corp, đại diện doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq, Mỹ. - Thưa ông, Cavico có hối tiếc khi một mình tiên phong ra biển lớn?Ông Trần Mạnh Hùng: Quá trình phát triển kinh doanh đòi hỏi chúng tôi phải thu thu xếp nguồn vốn rẻ nhất. Thời điểm năm 2005, chúng tôi làm hồ sơ niêm yết cổ phiếu nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn yếu. Vì vậy, ban lãnh đạo quyết định niêm yết tại thị trường quốc tế. Ban đầu định niêm yết sang Australia, nhưng khi nghiên cứu thị trường chứng khoán Mỹ thì thấy hấp dẫn và rộng lớn hơn nhiều nên chúng tôi đã lựa chọn điểm đến là Mỹ. Năm 2006, Cavico niêm yết tại Mỹ dưới dạng chưa có báo cáo, bởi điều kiện tham gia vào các sàn ở Mỹ có vô vàn, kể cả trường hợp công ty chưa có báo cáo hay lỗ cũng niêm yết được. Tháng 4/2008, Cavico mới có báo cáo đầu tiên và hoàn thành đầy đủ thủ tục để thực hiện niêm yết theo nghĩa công ty có báo cáo đầy đủ (fully reporting). Quá trình Cavico làm thủ tục niêm yết mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, thời điểm Cavico lên sàn gặp một trở ngại lớn do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ hồi tháng 4/2008. Chứng khoán Mỹ sụt giảm thê thảm và Cavico đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với lạm phát nên Cavico đã phải chịu tác động kép. Chúng tôi phải mất một thời gian dài chờ đợi Việt Nam chứng minh cho thế giới về khả năng vượt qua khó khăn. Do vậy, mặc dù nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm, theo dõi nhưng Cavico vẫn chưa huy động được vốn và giá cổ phiếu bị tụt giảm rất nhiều. Sau đó, đến tận thời điểm 19/8/2009, Cavico nâng cấp lên được sàn chứng khoán Nasdaq. Lúc đó thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bắt đầu hồi phục, song Cavico cũng xác định không quay lại nữa, đã niêm yết ở nước ngoài rồi thì vẫn cứ theo. - Theo ông lý do gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường chứng khoán quốc tế?Ông Trần Mạnh Hùng: Theo tôi, về mặt tâm lý các doanh nghiệp trong nước có thói quen làm những gì mà họ biết rõ. Cũng như việc tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Lúc đầu chỉ có một số doanh nghiệp lên thôi, sau này nhiều doanh nghiệp nhận thấy thị trường chứng khoán là kênh cấp vốn có hiệu quả thì họ mới tham gia. Tôi nghĩ về tâm lý nếu những doanh nghiệp muốn lên sàn chứng khoán Việt Nam thì cũng muốn lên sàn chứng khoán quốc tế. Nhưng thị trường chứng khoán quốc tế lại như một khái niệm xa vời, vượt quá tầm tay của họ bởi trong nước chưa có công ty tài chính tư vấn cho doanh nghiệp về chuyện đó. Mặt khác, báo cáo tài chính phải theo chuẩn kiểm toán nước ngoài cũng là rào cản. Thông thường tâm lý nhiều nhà quản trị gặp vấn đề phức tạp, không kiểm soát được thì thôi, để vài đơn vị khác làm trước, còn mình tính sau, học theo sau. - Cavico có gặp khó khăn gì khi niêm yết huy động vốn ở Mỹ?Ông Trần Mạnh Hùng: Trở ngại lớn nhất của chúng tôi chính là qui định giới hạn 49% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng Việt Nam. Vì quy định này, chúng tôi phải lấy pháp nhân nước ngoài để niêm yết tại Mỹ, mặc dù công ty vẫn là của người Việt Nam và huy động vốn về đầu tư kinh doanh trong nước. Bài toán đặt ra, chúng tôi sở hữu 70% công ty con là công ty đại chúng trong nước lập tức lại vi phạm luật Việt Nam. Để các công ty con huy động vốn trong nước thì công ty mẹ sẽ phải hạ sở hữu xuống dưới 49%. Làm việc này, lại vướng ngay hai qui định chuẩn kế toán của Mỹ là FIN 46R, SFAS167, nghĩa là luật bắt buộc anh phải báo cáo hợp nhất các công ty con sở hữu dưới 50%. Khi báo cáo hợp nhất, trong trường hợp các công ty con của mình lỗ thì không sao. Còn công ty con mà lãi thì họ sẽ phải xem xét rất kỹ nhằm tránh trường hợp mình làm đẹp sổ sách. Động tác này rất phức tạp, mình sẽ phải giải trình rất nhiều. Trường hợp chính phủ chỉ cần mở room sở hữu nước ngoài ra thêm 2% lên 51% thì câu chuyện hoàn toàn khác và doanh nghiệp Việt Nam niêm yết quốc tế sẽ thuận lợi rất nhiều. Ngoài ra còn yếu tố khác như luật của Việt Nam rõ ràng đi sau chuẩn mực quốc tế nên để cho nhà đầu tư quốc tế hiểu và Ủy ban chứng khoán Mỹ thông qua thì chúng tôi phải có quá trình giải thích, đây là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Bắt buộc, doanh nghiệp vừa phải hiểu luật Mỹ nhưng phải hiểu luật Việt Nam và phải đi giải thích cho cả nhà đầu tư. Ví dụ như quyền sử dụng đất ở Việt Nam, cho thuê đất 50 năm là như thế nào, anh làm 1 dự án thủy điện thì quyền dự án ra sao, nó khác rất nhiều so với quốc tế.
- Điểm khác biệt lợi thế giữa thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam là gì?
Ông Trần Mạnh Hùng: Thị trường chứng khoán Mỹ lâu đời, nguồn vốn dồi dào, qui mô vốn trên toàn thế giới, cho dù có những bước khủng hoảng thì khả năng hồi phục vẫn nhanh hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam có lợi thế là sân nhà nên dễ hòa nhập. Nhưng thực tế, lượng vốn đầu tư trên thị trường lướt sóng thì nhiều, đầu tư thực vào các doanh nghiệp lại hạn chế. Theo tôi, tương lai trong vài ba năm nữa cũng chưa có triển vọng mới. Hơn nữa, huy động vốn trên thị trường Mỹ không bị sức ép trả cổ tức. Lãi suất ở nước ngoài thấp, cổ đông nhìn vào hiệu quả kinh doanh chứ người ta không trông chờ vào chia cổ tức. Ngược lại, ở Việt Nam sức ép chia cổ tức là vô cùng lớn, doanh nghiệp nào không chia được cổ tức 10%/năm là có vấn đề. Như vậy, hiệu quả của việc huy động vốn của ta vì thế không cao. Các nhà đầu tư tại thị trường Mỹ rất quan tâm đến các doanh nghiệp Trung Quốc và sau đó là doanh nghiệp Việt Nam, bởi tốc độ tăng trưởng của ta cao và tương đối an toàn. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, một công ty đại chúng niêm yết được ở Việt Nam thì về cơ bản là có thể niêm yết ở Mỹ. Có rất nhiều công ty Việt Nam làm ăn rất tốt, tốc độ tăng trưởng ổn định nếu niêm yết ở Mỹ thì hiệu quả huy động vốn chắc chắn sẽ cao. Rõ ràng, cơ hội huy động vốn ở thị trường quốc tế là rất tiềm năng và tôi thật sự không muốn một mình lẻ loi bơi ngoài biển lớn./.
Năm 2006: Tháng 5, Cavico niêm yết cổ phiếu với (mã CVCP) trên bảng Pink Sheets tại thị trường chức khoán Hoa Kỳ.

Giá tham khảo: Từ 26/6-26/7/2006, giá cổ phiếu CVCP tăng khoảng 60%, từ 1,7 USD/cổ phiếu lên 2,69 USD/cổ phiếu.

Năm 2008: Tháng 4, Cavico chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán OTC.BB với (mã CVIC).

Giá tham khảo: Giá giao dịch cao nhất 2,85 USD/cổ phiếu. Giá giao dịch thấp nhất 0,16 USD/cổ phiếu.
 
Năm 2009: Tháng 9, Cavico Corp niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ (mã CAVO). Với sự kiện này, Cavico trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại một trung tâm giao dịch chứng khoán cấp quốc gia Hoa Kỳ.

Giá tham khảo: Giá giao dịch cao nhất trên 13 USD/cổ phiếu (tháng 9/2009), giá giao dịch hiện tại gần 4 USD/cổ phiếu (tháng 6/2010).
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục