Tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 1 tăng 3,2%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ xã hội tháng 1 đạt 191 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 12/2011, tăng 22% so với tháng 1/2011.
Bộ Công Thương cho biết việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, đặc biệt là tại hai trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tích cực công tác đảm bảo phục vụ Tết. Nhiều địa phương đã triển khai việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bộ Công Thương cũng cho biết không khí mua bán trên thị trường Tết năm nay kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước đây, một phần là do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2011 ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân, một phần do xu hướng mua sắm Tết muộn hơn và tập trung vào những ngày sát Tết.

Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1/2012 vẫn đạt 191 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 12/2011, tăng 22% so với tháng 1/2011.

Với nguồn cung hàng hóa trên thị trường phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, người dân đã được đáp ứng đủ nhu cầu với giá cả tương đối ổn định trong thời gian trước Tết, cận Tết và trong 3 ngày Tết.

Nhiều doanh nghiệp còn tăng cường khuyến mại, giảm giá, giải phóng hàng tồn kho để thu hồi vốn… trong khi sức mua trên thị trường không cao như mọi năm và với mặt bằng giá trước đó đã ở mức cao nên nhiều loại hàng hóa Tết năm nay giá không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết.

Tuy nhiên, so với Tết năm trước, giá nhiều loại hàng hóa vẫn cao hơn từ 10-20%. Riêng đối với một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi, do đặc thù mặt hàng và nhu cầu tiêu thụ cao nên giá trong những ngày sát Tết tăng khoảng 20-50% so với ngày thường.

Đối với mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhất trong dịp Tết là thực phẩm tươi sống, nhờ công tác chuẩn bị tốt và nguồn hàng hóa dồi dào nên giá trên thị trường tự do chỉ tăng khoảng 10-15% so với những ngày trước Tết.

Riêng tại hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của các doanh nghiệp được vay vốn bình ổn Tết, giá các loại hàng này ổn định, thu hút nhiều người dân vào mua, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 28, 29 Tết, các doanh nghiệp bình ổn như Vissan, Co.op Mart, Ba Huân… thực hiện giảm giá, khuyến mãi đối với các mặt hàng là thực phẩm tươi sống và trứng gia cầm.

Bên cạnh việc tăng cường dự trữ hàng hóa bình ổn giá cả thị trường Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tổ chức các đoàn kiểm tra thị trường Tết trên địa bàn các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày (28 và 29 Tết); lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại thực phẩm đóng gói, bánh kẹo, trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc lưu thông trên thị trường không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục