Với những điểm sáng của nền kinh tế trong 11 tháng năm 2019 như ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng; kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng cao, thị trường sôi động và phát triển ổn định; khách quốc tế đến Việt Nam tăng kỷ lục…, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, khả năng GDP cả năm 2019 sẽ đạt cao hơn mục tiêu 6,8% Quốc hội đặt ra.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cũng chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, đó là kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chăn nuôi; hậu quả của biến đổi khí hậu…
Những điểm sáng của nền kinh tế
Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, với những điểm nổi bật như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, thị trường sôi động và phát triển ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung cầu hàng hóa những tháng cuối năm 2019. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.481 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tháng 11 tăng 12,6%, là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung thịt lợn là nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước, bình quân 11 tháng tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018.
[Giá thịt lợn ''leo thang'' khiến CPI tháng 11 biến động tăng 0,96%]
Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 241,4 tỷ USD, tăng 7,8%; theo đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD (chiếm 59,6%) là: điện thoại và linh kiện đạt 48,7 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD; hàng dệt may đạt 29,9 tỷ USD; giày dép đạt 16,5 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 xuất siêu 100 triệu USD, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm khá sâu (9,9% tương ứng với giảm 518 triệu USD). Tính chung 11 tháng xuất siêu 9,1 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/11/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Nổi bật, tháng 11, là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 57,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Đánh giá về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời gian qua, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, việc này đã đem lại nhiều kết quả thực sự, qua đó tạo sự khởi sắc và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh với các nước trên thế giới. Việc này cũng khích lệ hoạt động của khu vực tư nhân, doanh nghiệp từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế 11 tháng vẫn còn những điểm khó khăn như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng tăng 10,6%, thấp hơn mức tăng 12,1% của cùng kỳ năm 2018 do bên cạnh một số ngành có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước thì nhiều ngành có tốc độ tăng chậm lại đã kéo chỉ số của toàn ngành công nghiệp thấp hơn cùng kỳ.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, một trong những nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng thấp là do: Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất đề bảo trì (dự kiến nghỉ hết năm 2019) nên giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, mặc dù, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương tiếp tục được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch, cả nước đã có 54% số xã qua 30 ngày không phát hiện ổ dịch mới, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy đã giảm mạnh. Tuy nhiên tại một số tỉnh phía Nam, dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Giá lợn hơi trong tháng 11 trên cả nước tăng cao. Đến giữa tháng 11, giá lợn hơi đã đạt mốc 70.000 đồng/kg, đặc biệt tại miền Bắc có nơi tới mức 78.000 đồng/kg. Tổng đàn lợn tại các tỉnh đều giảm nhiều trong thời gian qua, việc tái đàn tại những nơi công bố hết dịch diễn ra chậm do tâm lý người sản xuất còn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh, khiến tổng đàn lợn giảm sâu 22% so với cùng thời điểm năm 2018.
Ngoài ra, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm 2019 mặc dù đã được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước vẫn đạt mức thấp so với các năm trong giai đoạn 2016-2019.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá trị đồng tiền và tài sản. Bởi vậy, dự báo tương lai nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 sẽ trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
Đạt mục tiêu tăng trưởng là khả quan
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Tổng Cục Thống kê kiến nghị Chính phủ cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn đầu tư nước ngoài và ODA; đẩy mạnh tuyên truyền tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân để huy động các nhà đầu tư và nhà thầu trong nước tham gia hoạt động đầu tư và thi công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng, miền nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực.
Để nâng cao giá trị xuất khẩu, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh đến giải pháp cần khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng ở các khâu, quản lý tốt chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra.
Đặc biệt, chăn nuôi gia cầm tăng cao 12% so với cùng thời điểm năm trước do trong thời gian qua, nhiều hộ chuyển hướng từ chăn nuôi lợn sang gia cầm và các cơ sở chăn nuôi cũng chủ động tăng đàn gia cầm trước tình hình dịch bệnh ở lợn.
“Tuy nhiên, người chăn nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung khiến giá bán giảm sâu gây thua lỗ,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Ở khía cạnh vị mô, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đặc biệt nhấn mạnh đến điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, biến động của đồng đôla Mỹ, đồng nhân dân tệ và giá cả các mặt hàng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; đồng thời, các ngành sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, không để bị động bất ngờ; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào thời điểm cuối năm,” ông Lâm nhấn mạnh.
Tại cuộc họp Chính phủ gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, nông nghiệp, công nghiệp-thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội Quốc hội giao.
“Các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Sang năm 2020, chúng ta cần phải làm việc mạnh mẽ việc này hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực; đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.