Tổng cục Thống kê: Kinh tế 5 thành phố lớn tăng trưởng không đồng đều

GRDP của Hà Nội chỉ tăng 2,92%, xếp vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Đà Nẵng duy trì tăng trưởng dương nhưng với mức tăng nhẹ 0,18% còn mức tăng trưởng GRDP của TP.HCM giảm 6,78%.
Tổng cục Thống kê: Kinh tế 5 thành phố lớn tăng trưởng không đồng đều ảnh 1Cảng quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2021, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dẫn đầu cả nước, đạt 12,38% và là một trong hai tỉnh, thành phố có tăng trưởng đạt hai con số.

Trong khi đó, GRDP của Hà Nội chỉ tăng 2,92%, xếp vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đà Nẵng duy trì tăng trưởng dương nhưng với mức tăng nhẹ 0,18%. Còn mức tăng trưởng GRDP của Cần Thơ giảm 2,79% và Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,78%, thấp nhất cả nước.

Cụ thể, thành phố Hải Phòng đã hoàn thành “mục tiêu kép," vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ số kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021.

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng (GRDP) ước tăng 12,38%, đứng đầu cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421 tỷ đồng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Mặc dù dẫn đầu cả nước với tốc độ tăng GRDP nhưng kinh tế thành phố Hải Phòng cũng chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu đều thấp hơn kế hoạch đề ra. Trong mức tăng trưởng 12,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,49%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 19,04%, đóng góp 9,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,13%, đóng góp 1,96 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,21%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, là động lực tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng với mức tăng 22,46%, đóng góp 9,35 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

[Dự báo lạm phát của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 trong tầm kiểm soát]

Các ngành chủ lực như sản xuất thiết bị tự động, sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất xe máy điện, sản xuất ôtô, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng duy trì mức tăng cao trong năm 2021.

Tiếp đến, GRDP của Hà Nội chỉ tăng 2,92%, xếp vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố, thấp hơn mức tăng trưởng 4,18% của năm 2020. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 3,85%, đóng góp 0,87 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn thành phố.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn mặc dù sản xuất cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhất là các ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện nhập khẩu.

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng ước tính tăng 0,18% so với năm 2020, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2021 ước đạt hơn 105.050 tỷ đồng, mở rộng gần 1.826 tỷ đồng so với năm 2020.

Với tốc độ tăng 0,18% năm 2021, Đà Nẵng là một trong số 54 địa phương trên cả nước có mức tăng trưởng dương. Xét trong 5 tỉnh thành phố thuộc kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên-Huế tăng 4,36%; Quảng Nam tăng 5,04%; Quảng Ngãi tăng 6,05% và Bình Định tăng 4,11%), Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vùng.

Nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quý 3/2021, khi dịch bùng phát mạnh tại địa phương.

Đối với thành phố Cần Thơ, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư diễn ra từ tháng 7/2021 ảnh hưởng rất nặng nề đến mọi mặt đời sống của người dân thành phố. Đại dịch gây thiệt hại nặng nề trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Cần Thơ năm 2021 giảm 2,79%. Đây cũng là mức giảm sâu nhất so với các năm trong giai đoạn từ 2017-2021, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP, bị tác động nặng nề nhất đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng chung của thành phố.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng đã giảm 10,7% so với năm 2020. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu bị giảm sút, thị trường trong nước bị thu hẹp do lượng cầu yếu, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm năng lực sản xuất, hoạt động xây dựng cả khu vực công và tư đều bị ngưng trệ.

Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước. Năm 2021, kinh tế-xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh suy giảm nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước với mức giảm 6,78% so với năm trước. Đây là điều chưa từng xảy ra trong 35 năm qua tại địa phương này.

Suy giảm mạnh nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh là vào quý 3/2021, với mức giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ (chiếm 64,3% GRDP của thành phố), giảm 5,5% so với năm trước, làm giảm 3,41 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế thành phố; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, làm giảm 3,24 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 13,68%, làm giảm 0,07 điểm phần trăm; thuế sản phẩm giảm 0,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm.

Từ đầu năm, cả hệ thống chính trị và người dân đã dành quyết tâm cao và kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 5,99%. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4, thành phố có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng làm hoạt động kinh tế gián đoạn, các hoạt động tăng trưởng bị kéo lùi nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề sức khỏe, sinh kế, tăng trưởng kinh tế quý 3 giảm mạnh.

Quý 4/2021, Thành phố Hồ Chí Minh dần mở cửa nền kinh tế; tuy nhiên, thành phố vẫn đang chịu áp lực nguy cơ cao dịch bùng phát trở lại. Tăng trưởng kinh tế quý 4 chưa lấy lại đà phục hồi, một số hoạt động cần được cân nhắc cho hoạt động trở lại.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định năm 2021, làn sóng COVID-19 lần thứ tư khiến nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, các chỉ số chính của nền kinh tế sụt giảm, sức mua của người dân giảm mạnh, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Tuy nhiên, đến những tháng cuối năm 2021, với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, kinh tế Việt Nam đã có những phục hồi tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2021 tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, đưa tốc độ tăng GDP năm 2021 của Việt Nam lên 2,58%.

Cùng với đó, nhiều địa phương mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, duy trì phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh, xã hội. Cả nước có 54 địa phương tăng trưởng GRDP cao hơn năm trước và 9 địa phương tăng trưởng âm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục