Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điều năm 2014 đạt mức kỷ lục

Năm 2014 được xem là năm thành công nhất của ngành điều Việt Nam từ trước đến nay cả về sản lượng chế biến và giá trị xuất khẩu, đưa ngành điều vào nhhóm ngành nông sản xuất khẩu chủ lực.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điều năm 2014 đạt mức kỷ lục ảnh 1Chế biến điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình huệ/TTXVN)

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2014 được xem là năm thành công nhất của ngành điều Việt Nam từ trước đến nay cả về sản lượng chế biến và giá trị xuất khẩu, đưa ngành điều vào nhhóm ngành nông sản xuất khẩu chủ lực chỉ đứng sau lúa gạo, cao su và càphê.

Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều và là năm đầu tiên đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD.

Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2014, cả nước xuất khẩu đạt khoảng 306.000 tấn nhân điều, tăng khoảng 17,4% so với năm 2013 và đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm trước đó; cộng thêm các sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều và các sản phẩm giá trị gia tăng thì tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD.

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 6.553 USD/tấn, tăng gần 3,8% so với năm 2013.

Hiện nay, hạt điều của Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới; trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất với 30%, các nước châu Âu 25% và Trung Quốc là 20%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã nhập khẩu 700.000 tấn điều thô từ các nước để đảm bảo nhu cầu chế biến và xuất khẩu, nâng tổng công suất chế biến điều nhân cả nước đạt 1,2 triệu tấn, bao gồm 500.000 tấn điều thô trong nước.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp và người dân trồng điều. Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã có nhiều cách làm hay và tổ chức sản xuất thành công, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời có sự đóng góp của các kỹ sư cơ khí đã chế tạo các thiết bị hỗ trợ sản xuất cho ngành điều, làm cho chi phí sản xuất ngày càng thấp, chất lượng ổn định và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, các hộ nông dân cũng đã cố gắng đưa năng suất điều bình quân đạt 1 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Nhận định về tình hình phát triển ngành điều trong năm 2015, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng ngành điều vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết; trong đó có sự ảnh hưởng từ sự biến động thị trường tiền tệ thế giới hiện nay, một số ngoại tệ mất giá sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu nhân điều của Việt Nam.

Các đối tác ở Ấn Độ và Trung Quốc đang phát triển ngành công nghiệp chế biến điều tại vùng nguyên liệu châu Phi nhằm tăng khả năng cạnh tranh của họ, trong khi đó việc cải tạo vườn điều ở Việt Nam diễn ra còn chậm.

Ngoài ra, yêu cầu của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa ngày càng cao cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp chế biến trong nước phải tập trung giải quyết.

Dưới góc độ của một doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Sơn I (Bình Phước), chia sẻ cùng thời điểm này của năm 2014, thị trường châu Âu và Australia đặt hàng khá nhiều, thậm chí có nhiều đơn hàng đặt tới cuối năm.

Tuy nhiên sang năm 2015, các doanh nghiệp nhập khẩu đến từ thị trường này lại đặt hàng khá dè dặt, chỉ ký kết đặt hàng trong 1-2 tháng.

Nguyên nhân không phải do giá thành quá cao mà là giá trị đồng tiền của các nước này hiện đang bị mất giá, nếu nhập khẩu về phải bán với giá rất cao. Vì vậy, hiện tại các doanh nghiệp này đang chờ đợi sự xuống giá từ nguồn cung nên chỉ đặt hàng trong ngắn hạn.

Trong điều kiện nguyên liệu hạn chế và phải nhập khẩu điều thô từ 50-60%/năm, ông Đàm Ngọc Năm, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng trong thời gian tới, ngành điều trong nước phải tập trung đầu tư vào chế biến, bởi đây là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, để hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong năm 2015, Hiệp hội Điều Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động phát triển xuất khẩu thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại thị trường Mỹ và tổ chức Hội nghị Điều quốc tế tại Việt Nam.

Mặt khác, để hỗ trợ cho công tác chế biến, xuất khẩu, Hiệp hội cũng sẽ tăng cường hoạt động “sản xuất sạch hơn,” tập trung nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhằm gia tăng hàm lượng khoa học-công nghệ trong chế biến điều.

Trong năm 2015, ngành điều Việt Nam phấn đấu xuất khẩu 350.000 tấn điều nhân, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục